Vì sao nhiều đơn hàng dệt may “trượt” sang quốc gia khác?

(CL&CS) - Hiện nay, nhiều nền kinh tế đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng này sẽ tạo nên luật chơi mới cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Biến đổi khí hậu vừa tạo ra thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội. Ảnh: N.T

Chia sẻ về vấn đề này, tại tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/10, ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, trước đây chỉ là đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu, còn bây giờ liên quan đến phát triển kinh tế.

Việt Nam là một quốc gia có giá trị phụ thuộc vào xuất khẩu rất lớn. Chính vì thế, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải dòng bằng 0, cam kết về giảm phát thải khí metan toàn cầu, hay cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Sỹ Linh lấy ví dụ, một số thị trường lớn như thị trường châu Âu đã sớm đề cập đến những quy định liên quan đến dấu vết carbon hay chuyển dịch năng lượng. Ngành dệt may của Việt Nam thời gian qua chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang quốc gia khác, như Banglades. Đây cũng là quốc gia đang phát triển nhưng đã chuyển dịch năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và ít phát thải hơn.

Một ví dụ khác liên quan đến cam kết vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa hạn chế phá rừng. Mặc dù Việt Nam đã có những quy định cấm phá rừng nhưng thực tế vẫn còn có nơi, có thời điểm hiện tượng phá rừng xảy ra. Do đó, ông Nguyễn Sỹ Linh cho rằng, xuất khẩu ca cao, cà phê sang các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ… sẽ bị ảnh hưởng.

Về cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của Liên minh châu Âu, trước mắt sẽ có 5 mặt hàng chính, trong đó có những mặt hàng liên quan đến phân bón, xi măng, sắt, thép… sẽ bị điều chỉnh về carbon và đánh thuế carbon… Các doanh nghiệp sản xuất khi muốn tham gia vào xuất khẩu thị trường carbon thì cần có những biện pháp về đánh giá phát thải nhà kính cũng như chuyển hướng sản xuất ít phát thải hay là phát thải carbon thấp.

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, xu thế về hàng hóa hay dịch vụ carbon thấp là một xu thế không thể đảo ngược và các doanh nghiệp cũng nhìn nhận rằng đây là một cơ hội rất lớn.

Theo ông Hoàng Văn Tâm, thách thức đối với doanh nghiệp là vấn đề về vốn, về đầu tư, về công nghệ. Bởi khi muốn giảm được dấu vết carbon thì rõ ràng doanh nghiệp phải đầu tư cả những giải pháp về công nghệ, về chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên nếu tiên phong đầu tư về công nghệ, chuyển đổi năng lượng… thì cơ hội sẽ tăng lên, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và chiếm lĩnh được thị trường. Nhưng ngược lại, những doanh nghiệp vẫn để lại nhiều dấu vết carbon trong sản phẩm, hàng hóa thì sản phẩm, hàng hóa đó sẽ không thể tiếp cận thị trường một cách dễ dàng và sẽ mất đi cơ hội về phát triển, cơ hội về đầu tư.

“Nếu doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và có đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi thì sẽ đi đúng theo xu thế chung của toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn như là EU hoặc Mỹ”, ông Hoàng Vân Tâm khẳng định.

TIN LIÊN QUAN