Giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất 5 năm
Báo cáo tại phiên họp phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 02 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tiếp tục mở rộng công suất trong điều kiện bình thường mới.
Tình hình doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tháng 02 gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường. Người dân đón xuân mới với niềm tin, kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022.
Vốn FDI đăng ký tăng thêm 02 tháng đầu năm tăng 123,8% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm mạnh do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng cao, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới., cho thấy nhu cầu đẩy mạnh mở rộng đầu tư, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, ổn định kinh tế trong trung và dài hạn của nước ta.
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 02 tháng đầu năm đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong 5 năm trở lại đây thể hiện nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan và địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngay từ đầu năm.
Du lịch từng bước phục hồi trở lại. Đa số người dân đã được tiêm phủ vắc-xin, vì vậy, người dân đã bớt tâm lý e ngại khi di chuyển đến các tỉnh thành khác. Du lịch nội địa diễn ra khá sôi nổi tại các tỉnh thành phía Nam. Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại.
Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 là 7,9%. Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn.
Tuy nhiên, nước ta đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển KTXH, do biến động khó lường của tình hình kinh tế- chính trị thế giới, lạm phát, giá dầu tăng cao, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng...
Dịch Covid-19 vẫn lây lan nhanh. Một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly, gây tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Xăng dầu tăng giá, lạm phát chịu áp lực, giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao; nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại. Thương mại, dịch vụ vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Chi phí đầu vào, nhất là giá xăng dầu, cước phí vận tải quốc tế tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ chưa cao.
Số lượng doanh nghiệp rút khỏi nền kinh tế vẫn ở mức cao phản ánh sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, đồng thời có thể gây áp lực lên thị trường tài chính. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi tháng có 22,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; so với cùng kỳ năm trước.
Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thiếu hụt nguồn cung và giá xăng dầu tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu trong nước, làm tăng giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics… tạo áp lực lên lạm phát, làm giảm hiệu quả của chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, tình hình đất nước đang yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động trong điều hành, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, nhất là các vấn đề về lạm phát, an ninh năng lượng, tiền tệ và nguồn cung, giá xăng dầu.
Đồng thời sớm triển khai hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ các chính sách, hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH để củng cố đà phục hồi sản xuất công nghiệp ngay trong nửa đầu năm 2022, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong Quý I, tạo đà phục hồi nhanh, bền vững cho cả năm 2022.
Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất rằng tháng 3 là tháng cuối cùng của quý I nên phải hết sức tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I để tạo đà phục hồi nhanh, bền vững trong cả năm 2022, hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ 2 tháng đầu năm, đó là bám sát tình hình, chủ động dự báo, điều hành để có chính sách ứng phó kịp thời với những biến động bất ngờ, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát
Đồng thời tiếp tục kiên định, thực hiện nghiêm quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Và quan trọng là thực hiện quyết liệt, phát huy trách nhiệm, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ trong điều hành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, quyết liệt và xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.