VCCI sẽ ra mắt Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19

(CL&CS) - Tân Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công cho biết, trong tuần tới, VCCI sẽ cho ra mắt và đi vào hoạt động Hội đồng Hợp tác DN ứng phó COVID-19, cùng với đó là lập một nền tảng trực tuyến (24/7) để các DN có thể liên tục phản ánh các vấn đề khó khăn gặp phải, cũng như các đề xuất và kiến nghị với Chính phủ và địa phương.

Thông tin được đưa ra tại Phiên họp toàn thể Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 tổ chức sáng 10/9.

Tai phiên họp này, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, trong 4 tháng cuối năm 2021, VCCI sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

“Trong tuần tới, VCCI sẽ cho ra mắt và đi vào hoạt động Hội đồng Hợp tác DN ứng phó COVID-19, cùng với đó là lập một nền tảng trực tuyến (24/7) để các DN có thể liên tục phản ánh các vấn đề khó khăn gặp phải, cũng như các đề xuất và kiến nghị với Chính phủ và địa phương…”- Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay.

Ông cũng cho biết, trong Hội đồng được VCCI lập sẽ có sự tham gia của các Bộ, ngành, cùng với đó là nhiều tổ công tác, trong đó có tổ công tác chuyên về chính sách để nghiên cứu các vấn đề vướng mắc về TTHC…

Về hoạt động chung của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, ông Phạm Tấn Công đề nghị, Hội đồng cần tiến hành hoạt động giám sát tiến độ, đánh giá kết quả thúc đẩy cải cách TTHC. Cùng với đó là nghiên cứu, xác định các mô hình và sáng kiến tốt ở các địa phương và Bộ ngành, từ đó nhân rộng trong thực tế.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

“Trong những tháng còn lại của năm 2021, các thành viên của Hội đồng cũng cần đặc biệt chú ý đến các TTHC hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến TTHC và có những hỗ trợ hiệu quả nhất cho DN và người dân”- Chủ tịch VCCI kiến nghị.

Báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng, cho biết, các hoạt động của Hội đồng cơ bản được triển khai theo Kế hoạch đề ra, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện TTHC, giúp người dân, DN thuận lợi hơn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thương mại...

Các đề xuất, kiến nghị của các Ban công tác và các thành viên Hội đồng đều được cơ quan thường trực Hội đồng kịp thời báo cáo Lãnh đạo Chính phủ giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, xử lý theo thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, các thành viên Hội đồng đã tích cực, chủ động tham gia ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế.

Dù tiếp tục phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa Chính phủ và người dân, DN nhưng theo ông Ngô Hải Phan, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến một số hoạt động không được tổ chức theo Kế hoạch đã đề ra,  như: Hoạt động đối thoại với cộng đồng DN về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC và Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ đầu mối của các cơ quan thành viên Hội đồng; Công tác phối hợp, gắn kết trong hoạt động của từng Ban công tác, từng thành viên Hội đồng còn chưa chặt chẽ…

Tại phiên họp này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, ông Trần Văn Sơn nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, các thành viên Hội đồng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò cầu nối giữa Chính phủ và người dân, DN, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân, DN.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các thành viên tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; theo đó, lựa chọn một số vấn đề, lĩnh vực trọng tâm - đang là “điểm nóng, điểm nghẽn” đối với DN để tổ chức rà soát, đánh giá độc lập, đề xuất và tham gia ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Các thành viên Hội đồng cần phát huy vai trò, tính chủ động và huy động các thành viên hiệp hội, tổ chức mà mình đại diện trong việc tham gia ý kiến về các quy định hiện hành, dự kiến ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh và Phương án cắt giảm, đơn giản hoá cũng như đề xuất các sáng kiến cải cách, đặc biệt là các quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đcũng ối với hoạt động kinh doanh qua Cổng tham vấn điện tử, dự kiến cuối năm 2021 sẽ đưa vào vận hành. Đây sẽ là kênh thông tin, tương tác “nhanh chóng, hiệu quả” - giúp Hiệp hội, DN dễ dàng phản ánh về rào cản kinh doanh, đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời nắm bắt thực tiễn để có những quyết sách phù hợp.

Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh hoạt động đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân TTHC năm 2021 để công bố trong Quý IV/2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị trên cơ sở Quy chế làm việc của Hội đồng, từng Ban công tác, từng thành viên Hội đồng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động theo Kế hoạch và các nhiệm vụ mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; các thành viên thuộc các Ban công tác cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau, đẩy mạnh hoạt động; tinh thần đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ./.

Phải thay đổi lại vị trí của doanh nghiệp trong cuộc chiến chông COVID-19

Nhấn mạnh những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho rằng, dịch COVID-19 đang trở thành vấn đề “sinh, tử” của người dân và DN, nếu ứng xử không tốt thì hệ quả sẽ rất nặng nề. Làn sóng dịch lần thứ 4 đã để lại những tác động nặng nề cho kinh tế xã hội tại Việt Nam, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã dẫn đến nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang chuyển một phần công việc của họ ra khỏi Việt Nam.

Với thực trạng như vậy, ông Trương Gia Bình đề nghị cần phải nhanh chóng, quyết đoán trong vấn đề phòng, chống dịch COVID-19. Điều quan trọng nhất, là phải thay đổi lại vị trí của các DN, của các Hiệp hội trong cuộc chiến chống COVID-19. Thay vì coi DN là đối tượng kiểm soát xem có thực hiện nghiêm túc “3 tại chỗ” hay không như trước đây, thì nay cần phải coi DN tương đương với các phường, xã có những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác chống dịch.

 “Trong mối quan hệ giữa chính quyền và DN hiện nay, cần phải thay đổi vị trí để DN tích cực tham gia vào làm một lúc hai việc: vừa đảm bảo về sức khỏe cho nhân viên, vừa đảm bảo duy trì sản xuất không bị đứt gãy”- ông Trương Gia Bình đề nghị.

TIN LIÊN QUAN