VASI đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành sản xuất trực tiếp

(CL&CS) - VASI kiến nghị Chính phủ xếp nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc–xin sớm nhất, bảo đảm hoạt động liên tục.

Ngày 20/5/2021, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động trong khối sản xuất trực tiếp.

Trong văn bản, VASI cho biết, hiện Hiệp hội có hơn 300 doanh nghiệp hội viên, mỗi hội viên trung bình có 200 lao động, sản xuất linh kiện cơ khí, nhựa - cao su, điện - điện tử, khuôn mẫu, tự động hóa, vật liệu, dịch vụ công nghiệp... hiện đang cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu các ngành công nghiệp chế tạo, ngành ô tô xe máy cho Việt Nam và xuất khẩu.

Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, VASI đã thực hiện khảo sát hội viên, kết quả cho thấy, doanh nghiệp luôn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, nhưng vẫn thường trực nguy cơ lây nhiễm, đe dọa ngừng sản xuất. Để thực hiện được mục tiêu kép của Chính phủ, là vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

Hiệp hội nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn thường trực, đe dọa gián đoạn sản xuất và gây tổn hại lớn đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Theo VASI thì doanh nghiệp hội viên VASI sẵn sàng ủng hộ và đồng hành với Chính phủ để có thể thực hiện xã hội hóa việc tiêm vắc-xin sớm nhất. Ảnh: minh họa

Do đó, VASI kiến nghị Chính phủ xếp nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc-xin sớm nhất, bảo đảm hoạt động liên tục.

"Nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay là Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp hội viên VASI sẵn sàng ủng hộ và đồng hành với Chính phủ để có thể thực hiện xã hội hóa việc tiêm vắc-xin sớm nhất", trích công văn của VASI.

VASI cũng kiến nghị Chính phủ cần thống nhất trong việc cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine, như cơ quan cấp, hình thức cấp, nên có QR code... để đảm bảo kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong và ngoài nước.

Về cơ chế chính sách song hành cùng vắc-xin, VASI kiến nghị Chính phủ thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

VASI cũng đề xuất Chính phủ gia hạn các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2021 đến hết năm 2021, giảm bớt các yêu cầu và điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được; giãn nộp các khoản thuế và nghĩa vụ thêm từ 6 tháng đến 1 năm; hỗ trợ giảm lãi suất vay từ ngân hàng thương mại; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất và giảm giá thuê đất; đồng thời có giải pháp dài hạn và bền vững đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho ngành sản xuất chế tạo.

Trước đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vắc-xin Covid-19. Cụ thể, VITAS đề nghị ưu tiên tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; Ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vắc-xin tiêm cho người lao động (theo chủ trương xã hội hoá mà Chính phủ đề xuất) để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc-xin.

Mới đây, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp, Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động 4/5 khu công nghiệp lớn nhất địa bàn tỉnh: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê – Nội Hoàng với khoảng 136.000 lao động.

TIN LIÊN QUAN