Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền

(CL&CS) - Chính phủ sẽ ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  

Đáng chú ý, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội. Cùng với đó, ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Rối nước Đào Thục là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh minh họa

Nghị quyết cũng nêu rõ, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 7 loại hình di sản sau đây:

1. Tiếng nói chữ viết gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua ngôn ngữ, ký tự để truyền đạt thông tin, trao truyền kiến thức, ký ức và các giá trị văn hóa, xã hội của cộng đồng; 

2. Ngữ văn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện bằng những tác phẩm do cộng đồng sáng tạo, thực hành gồm các câu chuyện, truyền thuyết, giai thoại, sử thi, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tiếu lâm, ca dao, tục ngữ và các bài hát dân ca, hò vè, câu đố và những biểu đạt văn hóa tương đồng khác được truyền miệng qua nhiều thế hệ, phản ánh văn hóa, tập quán, tín ngưỡng và nhận thức của cộng đồng nhằm phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng; 

3. Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua các hình thức diễn xướng do cộng đồng sáng tạo và thực hành gồm âm nhạc, hát, múa, trò diễn và các hình thức trình diễn khác, xuất phát từ đời sống văn hóa, tâm linh, lao động sản xuất của cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thể hiện và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng; 

4. Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được cộng đồng thực hành thông qua các hoạt động thường xuyên mang tính nghi lễ, cách thức thể hiện niềm tin hoặc mong muốn của cá nhân, cộng đồng gắn với các sự kiện quan trọng, nhận thức về thế giới, lịch sử và ký ức; 

5. Nghề thủ công truyền thống gồm các biểu đạt văn hóa được thể hiện thông qua việc thực hành, sáng tạo của nghệ nhân, cộng đồng theo hình thức thủ công với kỹ thuật, hình thức, trang trí, nghệ thuật, nguyên vật liệu có yếu tố bản địa và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản, mang bản sắc văn hóa cộng đồng;

6. Lễ hội truyền thống gồm tập hợp nhiều biểu đạt văn hóa mang tính nghi lễ do cộng đồng sáng tạo, thực hành; được cộng đồng thực hành theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan để thực hiện các chức năng: nhận thức về tự nhiên và xã hội, giáo dục nhân cách, điều chỉnh hành vi ứng xử, giao tiếp giữa con người với tự nhiên và với con người, giải trí cộng đồng và bảo đảm tính kế tục của lịch sử;

7. Tri thức dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng được hình thành từ mối quan hệ qua lại trong lịch sử giữa cộng đồng với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội để thích ứng, tồn tại và thể hiện thông qua các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng xử linh hoạt, hài hòa với tự nhiên và xã hội.

Thời gian kiểm kê được thực hiện như sau: Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện: 6 năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;

Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp: 4 năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;

Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia: 3 năm một lần tính từ thời điểm được ghi danh.

TIN LIÊN QUAN