Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm 1 tỷ USD sau đợt cao điểm COVID-19

(CL&CS) - Tài sản của các tỷ phú Việt biến động không nhỏ sau đợt cao điểm đại dịch COVID-19, trong đó tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm 1 tỷ USD.

Theo số liệu từ bảng xếp hạng tỷ phú USD của tạp chí Forbes, thời gian thực, tài sản của các tỷ phú Việt tăng lên đáng kể, đặc biệt là ông Phạm Nhật Vượng, hiện tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đang ở mức 6,6 tỷ USD. So với lúc cao điểm đại dịch COVID-19, tài sản của tỷ phú Vượng đã tăng thêm 1 tỷ USD chỉ sau 6 tháng.

Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản hiện nay đạt 6,6 tỷ USD (Ảnh: TL)

Kết quả này có được chủ yếu là do sự phục hồi của thị giá cổ phiếu Vingroup. Mã VIC chốt phiên giao dịch ngày 27/10 tiếp tục tăng lên mốc 105.700 đồng/cổ phiếu. Với kết quả này, cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất Việt Nam quay trở lại vùng giá trước khi dịch COVID-19 kéo thị trường chứng khoán xuống đáy vào cuối tháng 3.

Vingroup hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020. Trước đó, theo báo cáo tài chính bán niên, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất khoảng 38.576 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ và ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, là người có tài sản tăng lên nhiều thứ 2 sau cao điểm COVID-19. Trong đợt thống kê vào tháng 4/2020, tài sản của ông tròn 1 tỷ USD. Sau 6 tháng, con số này tăng thêm 600 triệu USD thành 1,6 tỷ USD. Hiện tại ông đang là người giàu thứ 1.698 trên thế giới, theo Forbes.

Báo cáo tài chính quý 3/2020 của ngân hàng này cho thấy, luỹ kế 9 tháng đầu năm, hầu hết hoạt động kinh doanh của nhà băng này vẫn tăng trưởng và ghi nhận 19.280 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, tăng 34%. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng 21%, đạt 10.711 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận 9 tháng cao kỷ lục mà nhà băng này từng ghi nhận được.

Trong số các tỷ phú có tài sản biến động thì nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là đại diện ghi nhận khối tài sản tăng lên so với giai đoạn cao điểm COVID-19. Hồi tháng 4/2020, bà Phương Thảo nắm trong tay 2,1 tỷ USD. Đến nay, con số này được nhích lên 2,2 tỷ USD. Bà chủ Vietjet Air đang đứng thứ 1.274 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes.

Bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Forbes hồi cuối tháng 10 không ghi nhận sự thay đổi trong tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương. Chủ tịch Thaco vẫn đang sở hữu 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì đứng thứ 1.415 trên bảng xếp hạng như hồi tháng 4, hiện ông chỉ ở vị trí 1.785, tức giảm tới 370 bậc chỉ sau 6 tháng. Đến nay, Thaco là doanh nghiệp duy nhất thuộc sở hữu của các tỷ phú Việt chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong 6 tỷ phú đô la hiện tại của Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang là 2 đại diện xuất hiện trở lại sau khi mất tên trong đợt thống kê hồi tháng 4/2020.

Sau cao điểm COVID-19, ông Trần Đình Long đã xuất hiện trở lại bảng xếp hạng của Forbes với tổng tài sản vào khoảng 1,5 tỷ USD. Trong thời gian gần đây, diễn biến tích cực của cổ phiếu HPG đã kéo tài sản của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long tăng 200 triệu USD chỉ trong 10 phiên giao dịch.

Còn với ông Nguyễn Đăng Quang, tài sản được ghi nhận vào cuối tháng 10 vào khoảng 1,4 USD. Sự trở lại của ông gắn liền với việc thị giá mã MSN của Masan Group tăng mạnh, từ đầu tháng 10 đến nay, đã tăng 62% từ 54.100 đồng/cổ phiếu lên 87.900 đồng/cổ phiếu.

TIN LIÊN QUAN