Sau hơn nửa năm, khác với nhiều thị trường khác, thị trường ngoại tệ không hề “nóng”. Ngược lại, tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm khá mạnh.
Đóng cửa phiên 9/7/2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá ở mức 22.900 đồng/USD - 23.100 đồng/USD, giảm 150 đồng/USD, tương đương 0,65% chiều mua vào, giảm 115 đồng/USD, tương đương 0,5% chiều bán ra so với phiên cuối cùng của năm 2020.
Trên thị trường tự do, đồng bạc xanh có nhiều thăng trầm hơn. Cuối tháng 12, tỷ giá USD/VND tự do vọt lên 23.400 đồng/USD. Sang đầu năm 2021, USD thậm chí còn đạt tới gần 24.000 đồng/USD. Nhưng tới nay, tỷ giá tự do chỉ còn 23.235 đồng/USD và bán ra giảm 10 đồng/USD, còn 23.285 đồng/USD.
Công ty chứng khoán MBS đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng song đã cho thấy các động thái thận trọng hơn. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 vẫn đáng kể song với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung khiến áp lực lạm phát và tỷ giá được kỳ vọng tăng lên, Ngân hàng Nhà nước đã không đưa ra thêm một biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ nào trong 6 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau khi cắt giảm mạnh trong năm ngoái. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giữ nguyên trần lãi suất huy động ngắn hạn (kỳ hạn dưới 6 tháng ) ở mức 4,25%. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thay đổi chính sách mua vào USD từ mua giao ngay sang mua kỳ hạn 6 tháng và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời thấp hơn so với năm ngoái.
Các động thái của Ngân hàng Nhà nước đã duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tại ngân hàng thương mại ổn định trong 6 tháng đầu năm. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,8%/năm.
Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định nhiệm vụ chính yếu của ngành là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số (lạm phát bình quân không vượt quá 4%/năm), nâng cao giá trị đồng bản tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng không khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng thiếu an toàn và vẫn duy trì mức cung tiền phù hợp. Tính đến Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020.
Chính sách tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng duy trì biên dao động ổn định, phù hợp với cân đối vĩ mô và cung cầu thị trường. Ngân hàng Nhà nước thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Nhìn chung nhờ bối cảnh vĩ mô vẫn vững chắc cộng thêm nguồn cung USD khá ổn định, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu để thị trường tự điều tiết biến động tỷ giá VND/USD theo định hướng chung mà không phải can thiệp quá nhiều vào thị trường.