Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng: Tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ

(CL&CS) - Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng (đơn vị trực thuộc Sở KHCN) đã ghi dấu ấn 20 năm khẳng định là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KHCN và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong hành trình xây dựng và phát triển trong những năm vừa qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng đã làm chủ được một số quy trình công nghệ, chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ứng dụng vào sản xuất như quy trình công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, quy trình công nghệ nuôi cấy mô giống cây trồng đặc hữu...

Trung tâm đã nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu về các giống cây trồng (ảnh Q.U)

Hằng năm, Trung tâm chủ trì hoặc phối hợp thực hiện 10 - 12 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở và dự án nhân rộng cho các huyện, thành, đưa KHCN về vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Các dự án nhân rộng tập trung chủ yếu vào xây dựng mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân địa phương; xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chuyển đổi giống cây trồng; mô hình nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu; mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến nông sản, công nghệ về năng lượng mặt trời, công nghệ thông tin, công nghệ số...

Kế thừa nguồn gen quý, hiếm được chuyển giao từ hoạt động nghiên cứu của Sở KHCN. Trung tâm luôn duy trì công tác nghiên cứu, sưu tập, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen đặc hữu. Đến nay, Trung tâm đang lưu giữ, bảo tồn hơn 100 giống cây rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu; hơn 90 chủng, loài nấm ăn, nấm dược liệu và hàng chục chủng vi sinh. Từ nguồn gen lưu giữ này, Trung tâm đã nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu về các giống cây trồng, giống nấm ăn, nấm dược liệu và chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất.

Bên cạnh việc các mô hình trình diễn về lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm còn chú trọng mở rộng lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số trong hoạt động sản xuất và đời sống. Có thể kể đến như phần mềm công chứng, phần mềm chứng thực được ứng dụng và triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận; ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng năng lượng mặt trời trong cảnh báo giao thông, chiếu sáng công cộng và phục vụ nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa; ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, bảo vệ rừng...

Ông Lê Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng đề tài, dự án KHCN thuộc các lĩnh vực về: nông nghiệp, sinh học, môi trường, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Tiếp tục sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, ứng dụng vào sản xuất giống cây trồng, cây ăn quả, cây dược liệu, giống nấm ăn, nấm dược liệu, các chủng vi sinh vật cung cấp cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Từ kết quả nghiên cứu, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất một số sản phẩm đặc thù như: Trà Linh chi túi lọc, rượu Linh chi, trà túi lọc lan Gấm, trà hoa vàng... đưa ra thị trường.

TIN LIÊN QUAN