Triệt để ngăn chặn gian lận kinh tế

(CL&CS) - Theo kết quả tại Khảo sát Tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2022 của PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), 3 loại hình tội phạm phổ biến gồm: an ninh mạng, gian lận bởi người tiêu dùng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhiều nhất, bất kể doanh nghiệp ở quy mô nào. 46% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã và đang phải đối mặt với hiện tượng gian lận trong 2 năm qua.

Đặc biệt, khảo sát cho biết, doanh nghiệp càng có quy mô lớn, rủi ro về gian lận càng cao. Cụ thể, trong số các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm trên 10 tỷ USD, 52% đã gặp phải sự cố về gian lận trong 24 tháng qua. Trong nhóm này, gần 1/5 báo cáo rằng sự cố gây gián đoạn nhất đã gây thiệt hại tài chính lên đến hơn 50 triệu USD. Tỷ lệ của các công ty nhỏ hơn (những công ty có doanh thu dưới 100 triệu USD) bị ảnh hưởng thấp hơn với 38% công ty từng bị gian lận, trong đó 1/4 đối mặt với tổng số tiền bị ảnh hưởng hơn 1 triệu USD.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, các loại tội phạm kinh tế và gian lận thương mại cũng là vấn đề phải đối mặt. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Dự báo trong từ 2-3 năm tới, Bộ Công Thương cho rằng, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Những vấn đề này đặt ra yêu cầu về việc các doanh nghiệp phải linh hoạt, chủ động đưa ra các giải pháp để phòng ngừa những mối đe dọa này. Rõ ràng, nếu doanh nghiệp không có cách tiếp cận đúng đắn, rủi ro do các hành vi gian lận gây ra có thể khiến doanh nghiệp trả giá “đắt” không chỉ về mặt tài chính, danh tiếng mà còn là nỗ lực của ban quản trị để tái thiết lại hoạt động kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cần tăng cường tiếp cận công nghệ mới để dự đoán và ngăn chặn gian lận. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng phải phối hợp với các doanh nghiệp để tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

                                                                                        (Theo Tạp chí Hải quan) 

TIN LIÊN QUAN