Hội nghị do Ban Kinh tế TW chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ- TB&XH, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức hôm nay, 24/12.
Trụ cột của hệ thống an sinh xã hội
Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Tại Hội nghị, các ý kiến cơ bản nhất trí dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết., trong đó nhấn mạnh, giai đoạn 2012 - 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ TW đến địa phương, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính trong các chính sách an sinh xã hội (ASXH).
Quá trình thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành đã quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách BHXH, BHYT phù hợp với từng đối tượng; phương pháp triển khai và có một số điều chỉnh cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT.
Xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, trong đó các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo; làm tốt công tác phối hợp thực hiện; thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể, lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách ASXH;
Các ý kiến cùng cho rằng, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nhân dân và người lao động là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy gia tăng tỷ lệ bao phủ BHXH; thực hiện đồng bộ cải cách chính sách BHXH và cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT; chú trọng công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả Quỹ BHXH, BHYT; tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng quy định các chế độ BHXH, BHYT; thường xuyên, định kỳ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết; phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân có vi phạm…
Bên cạnh các kết quả đạt được, các ý kiến cũng đồng tình khi đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết, như: phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị quyết; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương; số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT còn nhiều, số tiền nợ đọng còn cao; tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra; công tác thanh quyết toán chi phí Khám chữa bệnh BHYT còn chậm; chất lượng phục vụ của dịch vụ khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập..
Đặc biệt, tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao, với trên 51 triệu người, chiếm 58% tổng số đối tượng …
Phân tích nguyên nhân của các hạn chế này, báo cáo của Ban Kinh tế TW cho rằng, một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT, còn coi việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH.
“Hầu hết chưa có địa phương nào bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH trong việc quản lý và triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, chậm trễ, bị động; một số công chức, viên chức còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần phục vụ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan BHXH chưa được thực hiện kịp thời theo chủ trương của Đảng đề ra; công tác hoàn thiện thể chế chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng mục tiêu phát triển đối tượng tham gia…”- Báo cáo nhấn mạnh.
Thống nhất nhiệm vụ, giải pháp
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, , Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: BHXHvà BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống ASXH và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế TW lưu ý, các cấp ủy đảng cơ quan, ban, bộ, ngành TW và địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với mọi đối tượng; gắn thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19.
Đồng thời cần phân công cụ thể cơ quan chủ trì có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, trong đó, đối với BHXH thực hiện theo đúng tinh thần, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành TW về cải cách chính sách BHXH; đối với BHYT đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật có liên quan....
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; nhân rộng điển hình, mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt lực lượng lao động phi chính thức, chưa có quan hệ lao động, chưa tham gia bảo hiểm xã hội, coi đây là giải pháp quan trọng nhất hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương nhằm gia tăng độ bao phủ BHYT, BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, tích hợp, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung BHXH, BHYT gắn với cơ sở dữ liệu ASXH, dân cư, y tế, lao động- việc làm; tăng cường hơn nữa hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH BHYT.
Tiếp tục quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về NHXH, BHYT; thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan bộ máy cơ quan BHXH theo tinh thần Nghị quyết 18 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo Nghị quyết 28 gắn với trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức mà vai trò chính trong nghiên cứu, đề xuất và thực hiện chính sách pháp luật là cơ quan BHXH Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh yêu cầu, sau Hội nghị tổng kết, Ban Kinh tế TW cùng các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến tham luận, phát biểu, kết luận Hội nghị, hoàn chỉnh tài liệu, nội dung Báo cáo tổng kết đảm bảo chất lượng, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị.