Trang trại dâu tây Đà Lạt trở thành điểm du lịch

(NTD) - Diện tích dâu tây trồng trong nhà kính đang tăng dần và lên đến hơn 50ha trong tổng diện tích 190ha trồng dâu của Đà Lạt và các huyện xung quanh thuộc tỉnh Lâm Đồng. Mô hình trang trại trồng dâu kết hợp với du lịch đang thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nông nghiệp và cả du khách trong cũng như ngoài tỉnh.

Dâu tây được trồng nhiều nhất tại thành phố Đà Lạt và một số huyện lân cận như Lạc Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Sản lượng dâu tây năm 2018 đạt trên 2.200 tấn.

Một nhà vườn trồng dâu bằng phương pháp thủy canh, mô hình trang trại và điểm du lịch đang phát triển ở thành phố Đà Lạt và các huyện xung quanh.

Trồng dâu trong nhà kính

Các giống dâu mới, chất lượng cao từ New Zealand, Hoa Kỳ và Đài Loan đã dần thay thế các giống dâu cũ. Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức canh tác: Từ cách truyền thống trồng dưới ruộng sang trồng trong nhà kính có hệ thống tưới thông minh hay trồng trong nhà kính bằng biện pháp thủy canh. Cả hai phương pháp này có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, thu hoạch được cả năm. Riêng với hệ thống tưới thông minh, nước được đưa qua hệ thống lọc để xử lý và qua hệ thống phun sương tưới nhỏ giọt cách mặt đất khoảng 80-100cm, xơ dừa dùng để thay thế cho đất.

Dâu tây được trồng trong nhà lưới, không sử dụng hóa chất trừ sâu. Nhưng vốn đầu tư cũng tương đối cao, vì cần thêm một lớp lưới bên trên, ước tính khoảng 180 triệu đồng/công (tương đương 1.000m2). Ngoài ra còn cần tới quạt để tạo gió làm mát cho cây trong ngày nắng nóng.

Đi cùng với phương pháp đổi mới này là quy trình chăm sóc, đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, loại bỏ những lá già, lá vàng, gốc dâu tây phải bảo đảm tình trạng thông thoáng, sạch sẽ, tránh việc vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Phương pháp này đã đem lại hiệu quả và năng suất, chất lượng được nâng cao. Trái to, màu sắc đẹp mắt, thơm ngon và bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, diện tích dâu tây được đầu tư nhà kính với công nghệ hiện đại mới chỉ chiếm vài chục hecta, rất ít so với diện tích trồng theo phương thức truyền thống.

Dâu trồng trong nhà kính và tưới bằng hệ thống tưới thông minh.

Vườn dâu - điểm tham quan du lịch

Những khu vườn dâu tây kết hợp với tham quan, chụp ảnh ngày càng được phát triển và thu hút khách du lịch.

Du khách có thể tới tham quan vườn dâu trĩu quả, tận tay hái những trái dâu căng mọng rồi chụp hình “sống ảo” ngay tại vườn. Khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt có nhiều vườn dâu nổi tiếng được du khách ghé thăm thường xuyên như vườn dâu tây Biofresh tại phường 8. Vườn dâu này nổi tiếng không chỉ bởi không gian thoáng mát, mà còn nổi tiếng với độ an toàn, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, du khách có thể ăn liền ngay khi hái xuống và giá mua dâu tây trực tiếp ngay tại vườn chỉ từ 200.000-300.000 đồng/kg.

Hay vườn dâu chú Hùng nằm ở phường 7, du khách vừa được tham quan, vừa có thể mua dâu với giá thấp hơn, chỉ từ 100.000 đồng/kg. Vườn dâu nằm ở ngay trung tâm thành phố, bên cạnh Hồ Xuân Hương cũng là một điểm đến thu hút du khách. Giống dâu tây được trồng tại đây là nguồn giống được nhập khẩu từ Pháp, được trồng thủy canh theo công nghệ từ châu Âu. Điều hấp dẫn là khách tham quan có thể ăn thử hoàn toàn miễn phí.

Mô hình trang trại trồng dâu tây kết hợp giữa tham quan và điểm bán các sản phẩm dâu tươi, dâu sấy khô, hay mứt dâu không chỉ có mặt tại trung tâm thành phố Đà Lạt, mà còn kéo dài ra các huyện lân cận. Lượng khách du lịch ngày càng tăng lên, trong đó lượng khách đổ ra các khu vực ngoại ô thành phố cũng theo đó mà tăng. Vườn hoa cây cảnh, vườn dâu tây để khách tham quan chụp hình cũng được chú trọng phát triển. Điển hình như làng hoa Vạn Thành, khu vực đèo Tà Nung, xã Mê Linh (huyện Lâm Hà), Định An (huyện Đức Trọng) hay huyện Lạc Dương.

Nguyễn Bích

Nên đọc