“Trắng tay” với cổ phiếu bị hủy niêm yết

(NTD) - Nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ hủy niêm yết cổ phiếu của các tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Cổ đông nắm giữ những cổ phiếu này coi như “trắng tay” vì giá đã giảm không phanh và hiện nay bị đình chỉ giao dịch.

Các cổ phiếu bị hủy niêm yết tại HOSE do vi phạm CBTT trong giai đoạn từ 2015 đến nay.

“Chây ỳ” công bố thông tin

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa đưa ra quyết định hủy niêm yết từ ngày 5/9 đối với cổ phiếu KSH của CTCP Damac GLS và KAC của CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An. Cổ phiếu HLG của CTCP Tập đoàn Hoàng Long cũng bị hủy niêm yết từ ngày 9/9. Các cổ phiếu này đều bị HOSE hủy niêm yết cùng lý do: Vi phạm công bố thông tin (CBTT).

Đại diện HOSE cho biết: “Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ CBTT và các trường hợp mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư” thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Quy chế niêm yết chứng khoán năm 2018 của HOSE.

Vi phạm CBTT của Tập đoàn Hoàng Long là “chây ỳ” nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2018 và bán niên 2019. HOSE đã nhắc nhở Tập đoàn Hoàng Long gửi báo cáo tài chính kiểm toán 2018 đến lần thứ 5 nhưng công ty vẫn “bình chân như vại”. Ông Nguyễn Quốc Đạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Long cho biết nguyên nhân không thể phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 và bán niên 2019 là do công ty và đơn vị kiểm toán không thống nhất một số chỉ tiêu tài chính trong quá trình kiểm toán.

Soi báo cáo tài chính của Tập đoàn Hoàng Long, nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy, tài sản tập trung ở các khoản phải thu trị giá 1.343 tỷ đồng, chiếm đến 68,7% tổng tài sản. Các khoản phải thu này đến từ các công ty được kiểm soát bởi ban lãnh đạo công ty, do đó quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ gần như không có. Hằng năm công ty đều báo lãi nhưng dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm trong nhiều năm liền nên công ty không chi trả cổ tức trong 6 năm qua.

Cũng giống như Tập đoàn Hoàng Long, Damac GLS và Khang An đều “chây ỳ” trong việc nộp báo cáo tài chính hằng quý, báo cáo tài chính hằng năm cũng như báo cáo thường niên. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Damac GLS và Khang An khá thất thường khi lãi, lỗ đan xen.

Nhà đầu tư trắng tay

Tại HOSE, hằng năm có vài cổ phiếu bị hủy niêm yết do công ty vi phạm CBTT khiến nhiều cổ đông mất trắng tài sản sau nhiều năm đầu tư. Đó là các cổ phiếu HLG, KAC, KSH (2019) KSA, CDO (năm 2018), BGM (2017), KTB, PTK (2016), AVF (2015)…

Các cổ phiếu này có khối lượng lưu hành vài chục triệu đến trăm triệu cổ phiếu với hàng ngàn cổ đông nên số lượng nhà đầu tư bị thiệt hại là rất lớn. Nếu tính từ thời điểm giá cổ phiếu đạt đỉnh đến khi bị hủy niêm yết, vốn hóa của 9 cổ phiếu trên bị bốc hơi hơn 14.300 tỷ đồng. Đa số các cổ phiếu này giảm 95-99% giá trị và chỉ còn vài trăm đồng/cổ phiếu.

Trước khi HLG, KAC, KSH bị hủy niêm yết, HOSE đã đưa 3 cổ phiếu này vào diện tạm ngừng giao dịch trong vài tháng. Sau khi bị hủy niêm yết, những cổ phiếu này được giao dịch tại thị trường UPCoM nhưng “số phận hẩm hiu” không buông tha cho cổ đông. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa các cổ phiếu này vào diện hạn chế giao dịch (CDO, AVF) hoặc đình chỉ giao dịch (KSA, BGM, KTB, PTK) khiến nhà đầu tư bế tắc hoàn toàn.

Bên cạnh thường xuyên thua lỗ, CTCP Hùng Vương khiến cổ đông thêm bất an vì cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do vi phạm CBTT. (Ảnh: Hùng Vương).

Án hủy niêm yết treo lơ lửng

Ngoài cổ phiếu HLG, KAC và KSH, danh sách chứng khoán thuộc kiểm soát đặc biệt của HOSE hiện nay còn có HVG của CTCP Hùng Vương, AGF của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish). Trong đó, Agifish là công ty con của Hùng Vương. Tất cả các tổ chức niêm yết này đều đã vi phạm CBTT nhiều lần. Nếu tiếp tục vi phạm, cổ phiếu của họ bị hủy niêm yết là điều không tránh khỏi.

Chưa ở mức “nguy cấp” như AGF, HVG nhưng cổ đông của CTCP Thương mại Hà Tây (HTT), CTCP Halcom Việt Nam (HID), CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), CTCP Coma18 (CIG), CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MCG) có thể bắt đầu lo xa.

Đại diện HOSE cho biết: HTT và HID vi phạm quy định CBTT 4 lần trong 1 năm; QCG vi phạm về nghĩa vụ CBTT; CIG, MCG chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2018 quá 15 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn CBTT theo quy định.

Nhà đầu tư Nguyễn Gia Đức (Q.9, TP.HCM) nhận xét: “Điểm nổi bật của các tổ chức niêm yết trên đều không có lợi thế cạnh tranh trong ngành hoạt động, hiện gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, thường xuyên báo lỗ nên chuyện hủy niêm yết bắt buộc là điều khó tránh khỏi. Các trường hợp: Vi phạm CBTT, lỗ 3 năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu bị âm… quan trọng là cái nào sẽ đến trước. Khó khăn bủa vây nên giá các cổ phiếu trên chỉ 1.500-4.700 đồng/cổ phiếu. Sở hữu những cổ phiếu này, nhà đầu tư có nguy cơ trắng tay nếu bị đưa vào diện hủy niêm yết”.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn CBTT sụt giảm

Theo kết quả cuộc khảo sát của Vietstock, số lượng doanh nghiệp niêm yết tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ CBTT năm 2019 là 259 doanh nghiệp trong tổng số 713 doanh nghiệp niêm yết thuộc danh sách khảo sát, tương ứng với tỷ lệ 36,33%. Tổng số doanh nghiệp được khảo sát năm 2019 tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn CBTT lại giảm 7 doanh nghiệp, tương ứng giảm 2,45%.

Các định chế tài chính đánh giá cổ phiếu MWG, NVL, VIC thuộc nhóm Large Cap (vốn hóa lớn); AAA, DXG, PDR thuộc nhóm Mid Cap (vốn hóa trung bình); DGW, GDT, HDC thuộc nhóm Small & Micro Cap (vốn hóa nhỏ) có CBTT tốt nhất. Các cổ phiếu MSN, STB, TPB thuộc nhóm Large Cap; DPM, FLC, NT2 thuộc nhóm Mid Cap; C32, CNG, NRC thuộc nhóm Small & Micro Cap dẫn đầu hạng mục nhà đầu tư bình chọn.

TRÍ NGUYỄN

 
Nên đọc