Tra tấn karaoke mùa dịch

(CLCS) - Tiếng ca karaoke não lòng của cô gái nhà kế bên đã làm thức tỉnh nhiều người đang ở nhà tránh dịch. Thế là ngay lập tức, nhiều chiếc loa được kéo ra hoặc đâu đó có tiếng thử máy của giàn karaoke gia đình. Cứ thế, là một bên là ca khúc “Lại nhớ người yêu”, một bên là ca khúc “Đắp mộ cuộc tình” rồi nhiều ca khúc khác lại vang lên…

Mạnh ai nấy…hát

Tại hẻm 26 đường Võ Văn Vân (Bình Tân, TP.HCM) như có “lệ” hát karaoke, ngày thường cũng hát, lễ lộc càng hát tợn. Thế nhưng, điều người dân sợ nhất là trong khoảng thời gian nhiều người ở nhà chống dịch, liên tục phải bị tra tấn bằng cách buộc phải nghe hát karaoke dồn dập từ nhiều phía.

Hết nhạc xập xình đến nhạc linh tinh, ai thích nhạc gì, bài nào thì cứ thoải mái bật lên “khoe giọng”. Cả nhà cùng hát, thậm chí các bé lớp 3-4 cũng tập tành hát…

“Xa trường lớp lâu ngày, trẻ con cũng buồn nên mỗi lần mở máy hát là tụi nhỏ hát theo, có khi tụi nó còn đòi mở máy để tự hát nữa. Kệ, vui mà…!”, chị H. (ngụ hẻm 26) cho hay. Không biết vui thế nào và tương lai của các “ca sĩ nhí” này sẽ hát hò tới đâu, nhưng hiện tại hàng xóm phải đau đầu về những giọng ca này.

Cư dân ở chung cư cũng bị "hành" vì bị nghe hát

Thực tế, chuyện hát karaoke tại đây không chỉ là thư giãn, mà là câu chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” mạnh ai nấy hát, loa mở thả ga nhằm mục đích dập nhà bên kia. “Hẻm nhỏ, nhà san sát nên nhiều khi nói chuyện còn nghe được, mở nhạc hát kiểu này thì nhà tui phải đóng cửa riết nhưng vẫn lùng bùng lỗ tai. Vợ chồng con cái ai cũng nhức đầu, có hôm tôi qua nhắc chừng mở nhỏ chút, nhưng nhà người ta thì họ hát, mình nhắc hoài cũng ngại. Mấy nay do tránh dịch, nên mấy ông nhậu tại gia rồi lè nhè hát, mạnh ai nấy hát. Cả xóm bị tra tấn lỗ tai mà không biết đi đâu tránh…”, chị Lâm (44 tuổi, ngụ cùng hẻm) than thở.

Không chỉ hẻm 26, mà cư dân tại khu nhà trọ C4 (xã Bình Hưng, Bình Chánh) cũng thường xuyên bị “tra tấn” bởi tiếng nhạc và tiếng hát karaoke thi nhau mở thật to của nhiều người thiếu ý thức. “Phòng trọ thì bé, san sát nhau và không có cách âm nhưng hàng xóm rảnh rỗi, không việc gì làm nên suốt ngày mang loa kẹo kéo ra hát. Âm thanh dội vào từng phòng khiến tôi và nhiều nhà hàng xóm ngày nào cũng phải khốn khổ, nhức đầu. Âm thanh to đến nỗi sàn ván ép và cả mái tôn phòng tôi luôn rung lên bần bật”, một khách trọ tên Thanh chia sẻ.

Chuyện ở trong khu trọ C4 tưởng chừng dễ “giải quyết” do có thể qua nhắc nhở nhau, nào ngờ một căn nhà cạnh bên khu trọ suốt ngày ca hát. Khổ nỗi hai vợ chồng này mỗi người ưa thích dòng nhạc khác nhau nên ít khi nào hát chung. Thường thì anh chồng mở nhạc hát một mình suốt vài tiếng. Sau đó, chị vợ làm việc nhà, bếp núc lại tiếp tục mở karaoke lên để hát. Không chỉ hát vào mỗi buổi chiều tối, có lúc hứng chí chị lại mở karaoke hát vào buổi trưa với âm thanh mở to hết cỡ, khiến cho ai cũng phải bực bội, nhưng vì là láng giềng nên ngại va chạm, những người ngụ chung quanh đành chịu bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của karaoke…

Ca thán vì bị tra tấn bằng âm nhạc suốt ngày

Chịu không nổi, nhiều người sang ý kiến thì hàng xóm mới cho biết, ở nhà tự cách ly buồn quá nên hát karaoke là phương pháp “giải buồn” hiệu quả nhất. “Thôi thì hát hay còn chấp nhận được, đằng này toàn gặp người hát dở nhưng lại kiên quyết sống chết với đam mê”, nhiều người ngao ngán.

Thực tế, những ngày chống dịch đã có nhiều người viết những lời cảm thán trên facebook để bày tỏ sự ngao ngán khi bị tra tấn bằng việc…nghe hát. Như trên facebook cảm thán “Có ai bất mãn với giọng ca của mấy bà hàng xóm như tôi không? Có cái “vùng lá me bay” mà bay từ sáng tới trưa không hết lá? Rồi nửa đêm vẫn cứ “hót đi chim, hót đi chim”. Hoặc, một cư dân sống tại một chung cư tại quận Gò Vấp phản ứng: “Bất hạnh cho cộng đồng nhất là những ca sĩ hát không hay nhưng lại quá ảo tưởng về sức mạnh. Thà đóng đinh, thà khoan tường xì xèo tí còn hơn cái cảnh bị tra tấn Karaoke cả buổi tối như vậy. Giờ em ước mình có cái loa công suất to như vậy, phóng về hướng đó mà gửi gắm rằng: Các chị ơi, các chị có biết giọng hát của các chị kinh khủng như nào không…”

Những lời than phiền này nhanh chóng được nhiều người đồng cảm rồi tranh nhau kể tội hàng xóm vì hát suốt ngày nhưng chỉ có một bài “ruột” như: Đập vỡ cây đàn; Phận là con gái chưa một lần yêu ai…

Coi chừng bị phạt…

Thực tế, nhiều người dân tưởng rằng việc hát karaoke tại nhà là quyền riêng tư nên tha hồ giải sầu, nếu có hát to thì “mách lòng” với hàng xóm chứ không hề vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo một luật sư tại TP.HCM cho biết, việc hát karaoke gây tiếng ồn ào, huyên náo tại khu dân cư vẫn có thể bị xử lý. Theo đó, quy định tại Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.

Karaoke di động được nhiều dân nhậu tại gia "chuộng" vì có thể mời đến phục vụ nhanh gọn

Ngoài ra, Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng quy định nếu hành vi hát karaoke xuyên đêm của các hộ gia đình, cá nhân trong xóm gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính thì có thể bị xử phạt cảnh cáo nếu vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA (đơn vị đo cường độ âm thanh, tính theo decibel), phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 2 dBA đến 40dBA.

Mặc dù, đã có quy định như vậy nhưng việc áp dụng xử lý trên thực tiễn vẫn còn mang tính hình thức, xử lý còn quá hiếm hoặc việc xử lý hầu như chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Việc thực thi chế tài đối với hát karaoke gây ồn vẫn chưa được làm gắt gao, mạnh tay nên người dân vẫn ỉ i trong việc tụ tập, hát hò bằng karaoke gây ồn dẫn đến tình trạng diễn ra tràn lan thường xuyên.

Minh Việt - Bảo Bảo

Nên đọc