Nhà ở tái định cư là nhà ở được xây sẵn bố trí cho cá nhân, hộ gia đình thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước giải tỏa, thu hồi đất theo quy định. Nhiều năm qua, TP.HCM dành quỹ đất lớn cho việc xây dựng các khu nhà tái định cư. Thế nhưng có một thực trạng đáng buồn đang tồn tại lâu nay là việc nhiều khu nhà tái định cư bỏ không, không có người ở trong khi người dân không có nhà để ở, phải đi ở nhà thuê. Phải chăng người dân “chê” nhà tái định cư?
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tại 161 dự án tái định cư trên địa bàn thành phố hiện có 11.370 nhà, đất (9.173 căn hộ và 2.197 nền đất) phục vụ tái định cư chưa sử dụng. Nghịch lý ở chỗ, thành phố đang rất cần nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người lao động và người có thu nhập thấp. Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, đang có gần 100.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, hàng chục ngàn căn nhà tái định cư bỏ hoang.
Tại Khu tái định cư lớn nhất TP.HCM nằm ở Bình Khánh (Q.2 cũ), TP Thủ Đức rộng 38,4 ha với hàng chục khối nhà với tổng cộng 12.500 căn hộ được xây dựng hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay, nhiều khối nhà vẫn chưa có người ở.
Theo chị Mai Hương, gia đình chị sau khi bị thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thì được bố trí một căn hộ để tái định cư. “So với khu hồi còn chỗ cũ thì ở đây an ninh hơn, thoải mái hơn. Tuy nhiên ở đây thì không thể buôn bán hay làm ăn gì được như hồi còn chỗ cũ. Chưa kể nhiều người chưa quen với việc sống chung cư và họ không đủ tiền mua nhà và bán lại suất tái định cư cho người khác…”, chị Hương chia sẻ thêm.
Còn tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B ở huyện Bình Chánh, năm 2011 khu nhà ở này đã đưa vào hoạt động với nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Hơn 529 nền đất và 45 block chung cư với 1.939 căn hộ dành cho tái định cư trong “Chương trình chỉnh trang đô thị” gồm di dời nhà ven kênh rạch và cải tạo chung cư cũ tại các quận nội ô của thành phố. Mặc dù được xây dựng đồng bộ với nhiều công trình phụ trợ như siêu thị, khu thể thao, trường học… nhưng phần lớn các hộ gia đình được phân về đây thuộc diện tái định cư ở đường Bùi Viện, kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang nội đô đều không muốn về vì cho rằng quá cách xa trung tâm thành phố.
Hiện tại, nhiều hạng mục, tường nhà bong tróc, cũ kỹ, khuôn viên xung quanh cỏ mọc um tùm. Lối dẫn vào khu tái định còn tạm bợ, bùn lầy mỗi khi trời mưa. Đến nay, chỉ có vài hộ dân đến thuê nhà để ở và hàng ngàn căn hộ vẫn đóng cửa.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, ngoài chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư không phù hợp với thực tế, một số dự án nhà tái định cư trước đây được xây dựng cho có mà chưa chú trọng đầu tư chất lượng, chưa có sự khảo sát, nghiên cứu nhu cầu của người dân.
Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, do đơn giá đền bù theo đơn giá nhà nước quá thấp, người dân không đủ tiền để mua căn hộ mới được. Bản thân khu tái định cư chỉ xây chổ để ở chứ người ta không giúp người dân xây cuộc sống mới cho họ. Nhiều khu tái định cư đường xá, điện nước còn kém quá, không có cách gì sống được, không buôn bán được như chỗ ở cũ trong khi chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, Thành phố còn nhiều khu tái định cư thiếu các dịch vụ như trường học bệnh viện, khu vui chơi, hạ tầng kém chất lượng. Nhiều người không chọn tái định cư, đem cho thuê hoặc bán nhà tái định cư để đến nơi khác ở sau khi bị di dời.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, phần lớn người dân không “mặn mà” với nhà tái định cư là do các khu tái định cư có vị trí khá xa nơi ở cũ của người dân, giao thông không thuận tiện, dân cư vắng vẻ khó buôn bán, sinh sống tại chỗ. Chẳng hạn, khi giải tỏa chúng ta di dời dân ở Q.1, 5, 6 nhưng lại có khu tái định cư ở xã Vĩnh lộc B, huyện Bình Chánh. Và khu vực tái định cư đó không có các tiện ích, dịch vụ để phục vụ người dân cư, giao thông không thuận lợi.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về “Hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM” vừa công bố mới đây cho thấy, TP.HCM đang lãng phí hàng ngàn tỷ đồng với hơn một nửa số quỹ nhà đất tái định cư đang dư thừa. Một số dự án nhà tái định cư có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục những “khuyết điểm” trên, tránh lãng phí nguồn đầu tư và thu hồi vốn, giải pháp được UBND TP.HCM đưa ra đó là phân bổ cho quận, huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất. Bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất. Ngoài ra, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất để phục vụ di dời các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh rạch, di dời người dân sống trong các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thiết theo quy định.
Đồng thời, để tránh lãng phí nguồn đầu tư và thu hồi vốn, thành phố chuyển một số nhà tái định cư dư thành nhà ở thương mại. Thành phố cũng cần có chủ trương chính sách tái định cư tại chỗ, trường hợp không tái định cư tại chỗ thì tái định cư trong địa bàn quận đó.
Một chuyên gia trong ngành xây dựng chia sẻ, vấn đề chất lượng phải được nhìn nhận ngay từ giai đoạn chuẩn bị với việc điều tra xã hội nghiêm túc các đối tượng cần tái định cư. Cần quy hoạch các điểm tái định cư, thiết kế khu tái định cư thành khu đô thị thu nhỏ hoặc kết nối với các khu đô thị hiện hữu. Bên cạnh đó, cần giải quyết triệt để bắt đầu từ chính sách về nhà tái định cư và thực hiện theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường có định hướng. Người dân đã sẵn sàng nhường lại đất đai, nhà cửa cho công tác giải phóng mặt bằng thì phải tính toán một cách đầy đủ để người dân có quyền lựa chọn nơi tái định cư phù hợp. Nhà nước cũng cần tạo được môi trường để huy động nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án tái định cư.