Theo văn bản của TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, các DN đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ - một cung đường hai điểm đến”. Tuy nhiên, DN không thể kéo dài do không đủ cơ sở vật chất để bảo đảm tốt điều kiện an toàn dịch, tâm lý người lao động bất an khi bị tập trung trong một không gian hẹp thời gian dài, không được gặp gia đình (nhất là đối tượng lao động nữ).
Do vậy, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng ban hành Hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí chủ yếu bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và cách thức kiểm tra, giám sát, từ đó tạo điều kiện các DN chủ động bố trí phù hợp tình hình thực tiễn và được phép hoạt động khi đáp ứng đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch (không phân biệt ngành nghề).
Đồng thời hỗ trợ DN thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ giảm chi phí như: giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vacxin...
Về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cần phân loại DN thành 3 nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tình trạng hoạt động của DN: DN đã giải thể, phá sản; DN đang tạm ngừng hoạt động; DN đang còn hoạt động.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, thời hạn áp dụng giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hết tháng 12/2021.
TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết Quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022.
Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, chiếu phim, hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí...) thì cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo).
Đối với các DN nhỏ và vừa, một trong các tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa là doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng; do đó, nhằm mở rộng phạm vi DN được hưởng hỗ trợ, kiến nghị điều chỉnh điều kiện về tổng doanh thu năm 2021 để được giảm thuế thu nhập DN từ 200 tỷ đồng thành 300 tỷ đồng.
Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021; riêng đối với các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%.
Đồng thời TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ hấp thuận dịch COVID-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng để DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.
Từ thực tế các chi phí phòng chống dịch COVID-19 quá lớn khiến DN phải cố gắng cầm cự để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. TP Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép DN được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách…
Liên quan đến mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, ngày 15/8 Hiệp hội các khu công nghiệp TP HCM (HBA) đã kiến nghị được thực hiện “2 tại chỗ - một vùng xanh”; Với phương châm này, công nhân sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ nhưng về ngủ nơi “vùng xanh” là “Khu an toàn”.HBA cũng đồng thời kiến nghị được “tiêm vét” vắc xin cho công nhân tại các DN đang hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.