Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã có văn bản số 4490/STNMT-BTTĐC gửi UBND TP. HCM góp ý Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM theo kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đơn vị này cho biết, qua rà soát hiện nay có 22 khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với diện tích hơn 290ha nằm dọc xung quanh tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến số metro 2 (Bến Thành - Tham Lương)…
Dự kiến kinh phí hỗ trợ tài sản gắn liền với đất (vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi) các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đối với các khu đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng với tổng diện tích 357ha nằm dọc các tuyến metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên); tuyến số 4 (Thạn Xuân - khu đô thị Hiệp Phước); tuyến số 5 giai đoạn 2 (từ ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới).
Dự kiến tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các khu đất do người dân quản lý, sử dụng khoảng 30.153 tỷ đồng.
Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng kinh phí thu được từ việc bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (290ha) và các khu đất do người dân quản lý, sử dụng với diện tích (357ha) là 152.682 tỷ đồng.
Tổng số tiền thu được từ đấu giá 152.682 tỷ đồng mới chỉ là tạm tính ở mức tối thiểu, con số chính xác chỉ biết được sau khi Sở Quy hoạch kiến trúc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho các khu đất.
Qua rà soát quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị kéo dài tuyến metro số 2 từ depot Tham Lương đến đường Vành đai 3 để tạo điều kiện khai thác hơn 2.100ha đất dọc tuyến đường Vành đai 3.
Riêng tại nhà ga của tuyến metro số 2 gần tiếp giáp với đường Vành đai 3 (tạm gọi là nhà ga Vành đai 3), đề nghị UBND huyện Hóc Môn rà soát quỹ đất khoảng 400ha để phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) tạo động lực phát triển cho vùng.