Lợi nhuận quý I đạt 3.674 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã: STB) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 vào sáng ngày 25/4/2025.
Tại đại hội, chia sẻ quả kinh doanh quý I, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank cho biết: Quý I, Sacombank huy động thị trường 1 tăng 3.3%, đạt 33% kế hoạch. Cho vay đạt 4.7%, đạt 33% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu 2.2%, có tăng nhẹ 0.2%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ Sacombank đã thông qua các chỉ tiêu kinh doanh 2025 được công bố bao gồm: Tổng tài sản tăng 10% lên 819.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024.
Tổng Giám đốc Sacombank cũng cho biết, trong năm nay mục tiêu của Sacombank là xây dựng danh mục cho vay phải tối ưu giữa hiệu quả hoạt động và rủi ro. Cho nên ngân hàng xác định việc tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với kiểm soát an toàn vốn, cũng như tăng trưởng ở những khách hàng doanh nghiệp tập trung vào phục vụ sản xuất kinh doanh như nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất...
“Trong tình hình căng thẳng như hiện nay, Sacombank sẽ quan tâm đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, hỗ trợ chính sách tốt nhất cho những khách hàng nhập khẩu hiện nay để đảm bảo ổn định trong hoạt động sản xuất kinhd doanh ”- bà Diễm nhấn mạnh.
Về định hướng tăng trưởng khách hàng cá chân hay khách hàng doanh nghiệp, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ: “Sacombank là ngân hàng bán lẻ đa năng và chúng tôi đã chọn phương án bán lẻ từ nhiều năm trước. Cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì thế mạnh của mình là ngân hàng ở phân khúc bán lẻ. Tuy nhiên, Sacombank cũng sẽ phát triển đều ở tệp khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân. Với tình hình hiện nay, khi khách hàng cá nhân gặp khó khăn thì cũng cần hỗ trợ về chi phí tài chính. Còn về phía doanh nghiệp chúng tôi sẽ ưu tiên những doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ của Sacombank”.
Dự tính chi 1.500 tỷ đồng để mua công ty chứng khoán
Theo Tổng Giám đốc Sacombank thì ngân hàng không có ý định mua cổ phần của Công ty CP Chứng khoán SBS mà sẽ chọn một công ty chứng khoán mới, phù hơp, có đủ tiêu chí mà ngân hàng đề ra.
Theo đó, Sacombank đang có kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty chứng khoán với giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu trên 50%, đồng nghĩa sau giao dịch công ty chứng khoán này là công ty con của Sacombank.
Trình bày tại đại hôi, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho biết: HĐQT Sacombank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank. Nguồn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế còn lại sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024.
Về tỷ lệ chia cổ tức, Sacombank cho biết, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Tích cực xử lý nợ xấu
Tại phần thảo luận, cổ đông đặt vấn đề cổ phần liên quan đến ông Trầm Bê đã được trình nhiều lần, vậy đến nay đã có sự thay đổi nào không?
Trả lời câu hỏi về tiến độ xử lý khoản nợ này, Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết phương án xử lý đã được Sacombank trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do đây là trường hợp chưa có tiền lệ, lại phát sinh nhiều vướng mắc pháp lý phức tạp, nên đến nay NHNN vẫn chưa phê duyệt phương án xử lý.
Trong năm 2024, Sacombank tiếp tục nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý, cập nhật các phương án mới và đã trình NHNN một phương án xử lý phù hợp, bao gồm kế hoạch mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC và triển khai đấu giá công khai. Bà Diễm nhấn mạnh ngân hàng đã chủ động trình phương án, vấn đề còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định từ phía NHNN.
Ngoài khoản nợ của ông Trầm Bê, Sacombank cũng đặt mục tiêu thu hồi gần 6.350 tỷ đồng liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú trong năm nay.
Tổng giám đốc Sacombank khẳng định nút thắt cuối cùng của ngân hàng hiện tại là chờ NHNN phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB liên quan ông Trầm Bê. Đồng thời, bà cho biết Sacombank tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025 và quyết tâm đẩy mạnh tiến trình làm việc với NHNN để chính thức công bố hoàn tất Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.
Cũng trong năm qua, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó xử lý rủi ro tín dụng là 756 tỷ và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ).
Đồng thời, ngân hàng đã hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.