Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam họp triển khai dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam. Theo đó, tỉnh sẽ nạo vét sông Trường Giang và nhiều dự án phụ trợ khác với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 2.700 tỷ đồng, tương đương 113,39 triệu USD, trong đó chi phí xây dựng chiếm nhiều nhất với hơn 1.629 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 9/2025 hoàn thành năm 2027.
Tại dự án này, sông Trường Giang từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa) dài 60km sẽ được nạo vét luồng rộng 30m, sâu 2,3m, đảm bảo khai thác hiệu quả đối với tàu có trọng tải đến 100 tấn lưu thông 2 làn.
Sông Trường Giang đang dần bị bồi lấp. Ảnh internet
Tổ hợp công trình thoát lũ TP. Tam Kỳ sẽ xây dựng kênh tiêu và các công trình trên kênh nối từ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang dài 2,38km, bề rộng đáy kênh 50m.
Ngoài ra, trên sông Trường Giang sẽ được xây dựng 6 cây cầu mới, gồm: Cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh, Tam Tiến và 1 cầu dân sinh hoàn trả, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo kiểm kê ban đầu, có 1.068 hộ dân bị ảnh hưởng với gần 100ha đất ở và đất nông nghiệp. Trong đó, 796 hộ bị ảnh hưởng 20% tổng diện tích đất canh tác và ảnh hưởng vĩnh viễn khoảng 159 căn nhà chính, dẫn đến phải di dời 272 hộ dân.
126 hộ phải xây dựng lại nhà trên diện tích đất còn lại, 146 hộ cần di dời đến các khu tái định cư. Ngoài ra, có hơn 7.000 hộ dân dọc sông Trường Giang bị ảnh hưởng sinh kế, cần hỗ trợ phục hồi sinh kế, chuyển đổi nghề, khôi phục thu nhập.
Sông Trường Giang có nguồn gốc từ Lạch Triều, chảy song song với bờ biển nối Cửa Đại và Cửa Lở, không phân thượng hạ lưu. Sông chịu ảnh hưởng chính từ thủy triều tại Cửa Đại và Cửa Lở. Nhiều đoạn sông bị ảnh hưởng của thủy triều từ Cửa Đại và thủy triều cửa Lở tốc độ dòng chảy rất nhỏ, tác động yếu tố dân sinh khiến đoạn này ngày càng bị bồi lấp và thu hẹp gần như không có dòng chảy.
Hơn nữa, hoạt động nuôi trồng thủy sản khiến nhiều khu vực này bị ô nhiễm do không có sự lưu thông dòng chảy. Vì vậy, người dân nơi đây gọi nó là dòng sông "chết", tàu bè cũng chẳng thể qua lại. Từ hơn 10 năm trước, tỉnh Quảng Nam đã lập dự án nạo vét để khôi phục dòng sông này nhưng do thiếu kinh phí, dự án bị hủy bỏ cho đến nay mới được khởi động trở lại.
Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam hướng tới sự phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của Xứ Quảng. Tỉnh còn đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần lớn cho ngân sách quốc gia và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch quốc tế, khai thác giá trị di sản văn hóa và khu dự trữ sinh quyển thế giới.