Tỉnh miền Trung gọi vốn gần 1,5 tỷ USD xây nhà máy tại khu kinh tế lớn nhất sắp 'cất cánh' lên thành phố

Đây là một trong những dự án trọng điểm được tỉnh kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô giai đoạn 2024-2025.

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành thông báo mời đầu tư dự án Nhà máy thép xanh Chân Mây. Dự án được triển khai trên diện tích 236,5ha thuộc Khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Dự án này là một trong những dự án trọng điểm được tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ảnh internet

Dự án nhà máy thép xanh Chân Mây đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự ánnh mục dự án kêu gọi đầu tư địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh giai đoạn 2024-2025 tại quyết định số 763/QĐ-UBND ngày 27/3/2024.

Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các nước phát triển như châu Âu, G7, G20; sử dụng tiết kiệm tối đa nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; sử dụng điện, nhiên liệu sạch (khí tự nhiên LNG, LPG) trong quá trình sản xuất. Nguyên liệu sử dụng là gang thỏi, thép phế, sắt xốp đóng bánh, không sử dụng quặng sắt, các loại quặng khác. Nước thải sản xuất phải được tái sử dụng 100%, không thải ra môi trường. 

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 32.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư. Dự án  xây dựng hoàn thành trong 33 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng. Thời hạn hoạt động của dự án tối đa 70 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó thời gian hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng để khởi công là quý III/2025, thời gian hoàn thành dự án đưa vào hoạt động là quý II/2028.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) và thép kỹ thuật chất lượng cao, công suất khoảng 3 triệu tấn sản phẩm/năm.

Thời hạn nhà đầu tư nộp hồ sơ về Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế là trước 16h ngày 26/9/2024.

Cuối năm 2023, UBND Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tập trung phát triển khu kinh tế này, chuẩn bị từng bước cho Chân Mây lên thành phố.

Tính đến nay, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng; trong đó có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, doanh thu hàng năm khoảng gần 4.000 tỷ đồng.