Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Điện Biên bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên với quy mô khoảng 9.539,92km2, gồm 10 đơn vị hành chính. Tập trung phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc.
Điện Biên đang được tập trung phát triển cơ sở hạ tầng
Trong đó, tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực và du lịch là kinh tế mũi nhọn, dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử - văn hóa – du lịch sinh thái khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Mục tiêu đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%...
Tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, với trọng tâm là đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1, lối mở A Pa Chải - Long Phú; khai thác hiệu quả Cảng hàng không Điện Biên Phủ. Tỉnh Điện Biên cam kết sẽ nỗ lực đổi mới toàn diện; đồng hành, hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Điện Biên có lợi thế gì để đầu tư?
Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc có diện tích tự nhiên: 9.541,25km2, cách Thủ đô Hà Nội 504km. Điện Biên có nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế, du lịch lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực và các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ thủy điện Sơn La, đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc, cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải - ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc...
Sân bay Điện Biên chính thức khai thác đường bay thẳng đến Sài Gòn - Hà Nội
Bên cạnh đó, Điện Biên còn là địa phương có đường biên giới dài hơn 455km tiếp giáp 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế và nhiều lối mở dọc tuyến biên giới. Trong đó đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712km, với Trung Quốc là 40,86km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Điện Biên chú trọng thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiêu mọi nguồn lực để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng được khởi công 24/12/2023 bởi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Việc đưa vào khai thác sân bay Điện Biên Phủ kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Hà Nội và TP. HCM là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, như: Dự án cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ. Đồng thời, tỉnh đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm như cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang.
Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã khiến Điện Biên trong những năm qua thu hút khá nhiều các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Mường Thanh, Danko...
Theo khảo sát từ báo Đầu tư, từ năm 2018, những vị trí đẹp gần đồi A1 đã có giá trên dưới 1,7 tỷ đồng một mét mặt đường, chạy dài khoảng 20m. Những khu đô thị mới có đường rộng từ 13-20m, có giá dao động từ 1,7-2 tỷ đồng/lô. Đến nay, giá nhà đất Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục tăng.