Cơn bão số 3 - bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn về người và của, ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở vật chất hạ tầng tại địa phương.
Tính đến trưa ngày 11/9, nhiều khu vực trên địa bàn TP. Hạ Long, cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa có điện trở lại, mạng di động chập chờn.
Trong suốt những ngày vừa qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã chủ động phối hợp cùng với các Sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương tập trung lực lượng nhằm khắc phục hậu quả thiệt hại do bão gây ra.
Đến thời điểm hiện tại, các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long đã hoạt động bình thường trở lại và trong tình trạng sẵn sàng đón tiếp cũng như phục vụ các du khách.
Trước đó, theo thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh tính đến ngày 9/9, thiệt hại do bão số 3 gây ra như sau: Toàn tỉnh có trên 20.000 ngôi nhà bị tốc mái; 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm hoặc trôi dạt; hơn 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 1.300 ha lúa, hoa màu và hơn 17.000 ha rừng trồng bị ảnh hưởng.
Hơn 1.400 cột điện bị gãy đổ gây mất điện diện rộng và kéo theo mất nước. Mạng lưới viễn thông toàn tỉnh gần như bị tê liệt, trong khi hạ tầng các khu công nghiệp tại thị xã Quảng Yên bị hư hại nghiêm trọng. Các cơ sở y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan và đơn vị trên địa bàn cũng bị thiệt hại lớn về cơ sở vật chất.
Trong số các địa phương, thành phố Hạ Long là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 3. Thông tin từ thành phố cho biết có 4 người tử vong và hàng trăm người bị thương.
Các lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công 78 người gặp nạn trên các xà lan và tàu thuyền trên vịnh Hạ Long. Hiện còn 8 người đang mất tích và chưa tìm thấy. Cơn bão này cũng gây thiệt hại cho 23 tàu, 28 tàu cá, 15 tàu vận tải và 30 lồng bè; hơn 550 nhà xưởng của tổ chức, doanh nghiệp và hộ dân bị thiệt hại nặng.
Trên 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà cửa (tốc mái, vỡ kính, đổ sập…); hơn 530 trụ sở cơ quan, đơn vị của tỉnh, thành phố và xã, phường bị thiệt hại.
Có 225/243 nhà văn hóa thôn khu và một số công trình công cộng bị thiệt hại; 79/119 trường học và cơ sở giáo dục thường xuyên bị thiệt hại nặng, cần khắc phục sớm; hơn 115 khách sạn và chung cư cao tầng bị thiệt hại nặng; hơn 90% hệ thống biển hiệu, pano, áp phích quảng cáo bị hư hại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 9/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 2606/UBND-KTTC chỉ đạo khắc phục thiệt hại và phòng, chống mưa lũ sau bão số 3. Đồng thời, tỉnh quyết định cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho các địa phương với số tiền 180 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh cùng tất cả lực lượng, phương tiện và người dân đang hối hả nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu sau bão. Lãnh đạo tỉnh và các địa phương thường xuyên xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ.
Lực lượng vũ trang tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, cùng các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã huy động tối đa nguồn lực, thiết bị, phương tiện và máy móc để tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; dọn dẹp vệ sinh môi trường và sửa chữa các công trình bị hư hỏng.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là một thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế - xã hội theo chu kỳ năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khi không tính các thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội. Chỉ số SCOLI cao nhất là Hà Nội (100%), theo sau là TP. HCM với chỉ số bằng 98,44% của Hà Nội.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ trở thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố là Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên.