Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp lao đao từ đó tác động gián tiếp tới ngành ngân hàng. Thời gian qua, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của ngành ngân hàng là tín dụng giảm sút đáng kể.
Cụ thể, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chín tháng đầu năm nay đạt 5,12%, thấp hơn nhiều so với mức 8,51% của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trong quý 4/2020 mà cụ thể là đầu tháng 11, tăng trưởng tín dụng được cải thiện mạnh nhờ dịch Covid-19 được kiềm chế.
Ngân hàng nhà nước mới đây cho biết tính đến 17/11, tín dụng tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10.28%), tương đương với dư nợ tín dụng đạt 8.790 nghìn tỷ đồng. Như vậy chỉ riêng trong nửa đầu tháng 11, tín dụng đã tăng tới 1%, tương đương gần 90 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 10.
Tín dụng phản ánh sự phục hồi đúng như kỳ vọng của Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV) trước đó khi các chỉ số sản xuất IIP, PMI và doanh thu bán lẻ đều tăng trở lại trong tháng 10 trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
KBSV dẫn số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại. Theo đó, tính đến hết quý 3/2020, tăng trưởng tín dụng nhóm các ngân hàng niêm yết đạt 7,5%. Trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank) tăng trưởng khá khiêm tốn (1,1% theo quý, 3,6% theo cùng kỳ năm trước) và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tích cực (4,9% theo quý, 12,5% theo cùng kỳ năm trước).
KBSV đã liệt kê danh sách một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), (Ngân hàng TMCP Liên Việt (LPB), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDB) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Đáng chú ý, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiêp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB).
Mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã vượt xa hạn mức Ngân hàng Nhà nước đặt ra vào đầu năm, do vậy Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong quý 3.
Vì vậy tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 được KBSV dự báo sẽ đạt 9 – 10%.
“Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 9 -10%, tương đương dư nợ tín dụng trong thời gian còn lại năm sẽ tăng thêm khoảng 180 nghìn tỷ đồng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện đang hồi phục tốt”, KBSV bình luận.
Theo KBSV, một số ngân hàng hiện đang xin thêm hạn mức tín dụng và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào quý 4 cho các ngân hàng này như HDB, TPB.
Trong khi đó, KBSV để ngỏ khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
“Các tín hiệu cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới (giá thịt lợn giảm, giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp) giúp chúng tôi để ngỏ khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có động thái điều chỉnh hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động nhờ đó sẽ vẫn duy trì ở mức thấp giúp NIM của các ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện”, KBSV phân tích.