Tìm ra phương pháp ngăn ngập lụt mới bằng cách ‘uốn cong’ sông ngòi

Theo các nhà nghiên cứu, khôi phục khúc cong tự nhiên của dòng sông có thể giúp ngăn chặn ngập lụt và tạo ra môi trường sống lành mạnh.

Sông Swindale Beck thuộc vùng Cumbria, nằm ở trung tâm Quận Hồ tại Anh. Con sông này chảy uốn lượn qua cánh đồng, trang trại và thung lũng. Nhưng cách đây không lâu, dòng chảy của nó thẳng hơn rất nhiều. Một con sông được coi là lành mạnh khi có khúc khuỷu, dòng chảy tự do và đầy sinh vật hoang dã. Thế nhưng tại Anh, có tới 97% sông ngòi bị ngăn cách bởi các rào chắn nhân tạo như đập nước. Hiện nay, trung bình cứ 1,5km sông lại có ít nhất một rào chắn nhân tạo. Qua thời gian, nhiều dòng sông bị biến thành các kênh thẳng để ngăn chặn lũ lụt và bảo vệ nhà cửa, nông trại khỏi bị ngập.

Tuy nhiên, việc loại bỏ những khúc cong tự nhiên này lại gây ra tác dụng ngược. Thay vì kiểm soát lũ lụt, điều này làm gián đoạn dòng chảy, suy giảm môi trường sống thủy sinh, làm giảm chất lượng nước và thậm chí còn tăng nguy cơ ngập lụt. Khi chất lượng sông ngòi ở châu Âu tiếp tục suy giảm do sự sụt giảm của động vật hoang dã, ô nhiễm nguồn nước và tác động của nước thải từ nông nghiệp, nhiều cộng đồng đã chuyển sang các giải pháp tự nhiên để khôi phục dòng sông.

Sông Swindale Beck nhìn từ trên cao. Ảnh: Natural England

Một số con sông đã được cải tạo bằng các kỹ thuật quản lý ngập lụt tự nhiên (NFM), chẳng hạn như xây đập gỗ, trồng cây và thả hải ly. Một ý tưởng khác là tạo lại các khúc cong cho các dòng sông và hệ thống phụ lưu. Trên toàn cầu, từ Hà Lan, Mỹ đến Anh, nhiều dòng sông đang được uốn lượn trở lại để khôi phục dòng chảy tự nhiên. Tại Anh, kết quả ban đầu cho thấy tích cực khi các loài cá, chim và động vật không xương sống đã quay trở lại những con sông được phục hồi ở Cumbria và Tây Sussex.

Cách đây 200 năm, Swindale Beck đã bị nắn thẳng nhằm tăng diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, từ năm 2016, một dự án đã được triển khai nhằm đảo ngược quá trình này và khôi phục dòng sông về trạng thái tự nhiên ban đầu. Dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia (RSPB), dự án hướng tới việc tạo ra môi trường sống, cấu trúc và hình thái đa dạng hơn cho dòng sông.

Sau khi nghiên cứu địa hình thung lũng để xác định dòng chảy nguyên bản, tổ chức này đã thành lập một đội ngũ để tái định hình và khôi phục lòng sông. Dự án là sự hợp tác giữa RSPB, Cơ quan Môi trường, tổ chức Natural England và công ty nước United Utilities, với chi phí hơn 260.000 USD để nắn lại đoạn sông dài một kilomet. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ dòng chảy ban đầu, sau đó bố trí đội ngũ để tiến hành công việc. Hiện nay, Swindale Beck đã kéo dài thêm khoảng 180 mét so với con sông bị chỉnh dòng chảy trong suốt hai thập kỷ qua.

Theo Tom Hayek, chuyên gia quản lý lũ từ tổ chức Wildfowl and Wetlands Trust (WWT), việc bổ sung những khúc cong cho dòng sông mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, nó làm thay đổi tốc độ và lưu lượng nước. Khi chiều dài của sông tăng lên, dòng nước được phân bổ đều hơn trên một khu vực rộng lớn, giúp giảm lượng nước chảy xuống hạ lưu và giữ lại nhiều nước hơn ở thượng nguồn, ngăn chặn nguy cơ ngập lụt ở các đô thị hạ lưu.

Lợi ích thứ hai là về tốc độ dòng chảy. Càng thêm nhiều cấu trúc vào, nước sẽ chảy chậm hơn. Nếu sông thẳng, nước sẽ chảy mạnh và nhanh, dẫn đến việc con sông khó kiểm soát được lưu lượng nước khi các phụ lưu đổ vào, từ đó dễ gây ngập lụt. "Trong quá khứ, việc nạo vét lòng sông để tăng sức chứa là cách phổ biến để giảm ngập lụt, nhưng phương pháp này không giải quyết triệt để vấn đề", Hayek chia sẻ.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tình trạng mưa lũ tại một số khu vực ở châu Âu, do thời tiết ấm lên khiến lượng hơi ẩm trong không khí tăng. Việc khôi phục các dòng sông về trạng thái tự nhiên, loại bỏ các đập nước và quản lý hợp lý bãi bồi có thể giúp chúng ta ứng phó hiệu quả với nguy cơ ngập lụt ngày càng cao.

Khi dòng chảy của sông chậm lại, các vũng nước sâu hơn hình thành, tạo điều kiện cho cá tập trung và nghỉ ngơi. Những khu vực sông có lớp sỏi mịn tích tụ trở thành môi trường lý tưởng cho cá hồi đẻ trứng. Hiệu ứng dây chuyền này còn giúp thực vật thủy sinh quay trở lại, cung cấp nơi trú ẩn và nguồn thức ăn cho cá non. Việc điều chỉnh lại dòng sông Beck cũng cho phép nó tự làm sạch, vì khi bị uốn thẳng, nước chảy nhanh hơn và mang theo nhiều phù sa. Những khúc cong của sông giúp phù sa lắng đọng dọc theo hai bờ, tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển.