Tiền Giang dừng hoạt động khu công nghiệp: Thiệt hại này doanh nghiệp không gánh nổi!

(CL&CS) - Trong đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quyết đinh tạm dừng hoạt động đối với các DN trong khu, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” của UBND tỉnh Tiền Giang, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Vạn Đức Tiền Giang thống thiết “Thiệt hại này DN thực sự không gánh nổi!”

Ngày 29/7, trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và thực tế thực hiện phương án "3 tại chỗ" của các DN trong khu, cụm công nghiệp để phát sinh nhiều ổ dịch, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Ngay sau đó, nhiều DN đang hoạt động trong các khu công nghiệp của tỉnh Tiền Giang đã gửi đơn tới các cơ quan, chính quyền với mong muốn được tiếp tục hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".

Đầu tư hàng chục tỷ đồng để thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty Vạn Phát Tiền Giang phải ngừng hoạt động theo Công văn 4093/UBND-KT của UBND tỉnh Tiễn Giang

Trong đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ngày 29/7, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang cho biết, Công ty hiện đang là đơn vị chuyên nuôi trồng, sản xuất cá tra và thực phẩm chế biến tại cụm Công nghiệp Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

DN này hiện đang xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm: cá tra fillet, cắt khúc, cá tra tẩm gia vị, cá tra nướng, cá tra tẩm bột, chả cá viên, cá cắt hoa, tàu hủ phô mai, khô cá 1 nắng... cho các chuỗi siêu thị, nhà hàng bếp ăn công nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, DN còn cung cấp cơm hộp, mì xào, thức ăn tươi ăn liền cho đội ngũ y bác sỹ đang điều trị Covid-19 tại các tuyến cao như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y dược, cửa hàng 0 đồng, các bếp ăn từ thiện...

Sản phẩm của công ty là một trong các mặt hàng thực phẩm thiết yếu theo đúng danh mục nêu trong công văn 4481 ngày 27/7/2021 do Bộ Công thương ban hành.

Chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kêu gọi các DN thực hành sản xuất “3 tại chỗ”, DN đã đưa 1.200 nhân viên thực hiện test nhanh âm tính vào nhà máy để thực hành sản xuất “3 tại chỗ” với mong muốn giữ được thị trường bán hàng và cung cấp mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân trong thời kỳ dịch bùng phát. Ngày 27/7/2021 toàn thể lao động của DN được CDC Tiền Giang thông báo kết quả kiểm tra PCR âm tính 100%.

Bên cạnh đó, DN cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tại chỗ để tổ chức phân luồng sinh hoạt, ăn uống, sản xuất theo từng dây chuyền tránh lây nhiễm chéo theo yêu cầu theo đánh giá của Ban Quản lý các khu cụm Công nghiệp Tiền Giang.

“Ngày 29/7/2021, Công ty nhận được Công văn 4093/UBND-KT của UBND Tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động đối với các DN trong khu, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Đây thực sự là cú sốc lớn cho DN chấp hành tốt chủ trương của Ủy ban tỉnh như Công ty Vạn Đức Tiền Giang…”- Đơn kêu cứu của DN viết.

Theo đại diện Công ty Vạn Đức Tiền Giang, DN đã chi ra hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, với việc tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận, cá tăng trưởng nhanh.

Theo DN, việc phải sản xuất “3 tại chỗ” dẫn đến chỉ đạt 50% công suất, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu của DN. Nếu phải ngừng sản xuất đột ngột sẽ gây thiệt hại đến toàn chuỗi cung ứng của công ty. Cá nuôi giá thành cao, cá vượt size sẽ không bán được, lãi ngân hàng phát sinh do nợ quá hạn... DN sẽ phải bồi thường cho các hợp đồng siêu thị dẫn đến nguy cơ mất thị trường và phá sản...

Bên cạnh đó, lực lượng công nhân của công ty nếu phải dừng lao động sẽ không thể về quê do chưa được tiêm vacxin và tất cả địa phương đều đang thực hiện giãn cách xã hội. DN giữ lao động ở lại nhà máy mà không sản xuất được sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn về tâm lý và hành vi.

Đại diện DN cũng cho rằng, thời gian này là cơ hội để DN xử lý hàng tồn kho, tăng giá bán. Nếu tự trói buộc mình sẽ dẫn đến tổn thất kép không xứng đáng. “DN đang cố gặng tạo sự kỳ diệu về tăng trường, “sống chung với lũ” mà vẫn tồn tại và về đến địch trước hạn mới thật tuyệt vời. Nếu bỏ lỡ cơ hội này thì cá vượt size, áp lực trả nợ ngân hàng, phải giảm giá dẫn đến thua lỗ, nợ xấu thì thật đáng tiếc…”- DN trình bày.

Kêu với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Công ty Vặn Đức Tiền Giang cho rằng DN ngành cá đã quá khổ, giá thức ăn tăng cao, nhiều nhà máy chế biến đóng cửa.

“Công ty Vạn Đức Tiền Giang đã cố gắng hết sức thực hiện sản xuất 3 tại chỗ nghiêm túc, mỗi tháng chi phí sản xuất tăng hàng chục tỷ đồng, để giữ dược chuỗi cung ứng, giữ chân người lao động, giữ khách hàng và góp một phần nhỏ công sức trong công cuộc phòng chống dịch. Kết quả làm tốt không được ghi nhận mà bị đánh đòng với các DN làm chưa tốt mà bị ngừng sản xuất động ngột, thiệt hại này DN thực sự không gánh nổi”- DN kêu cứu.

Đồng thời đề xuất: “DN nào làm sai thì xử lý DN đó, nhẹ thì khiển trách sửa sai, khắc phục, năng thì đóng cửa. Thiết nghĩ, làm tốt phải cho duy trì mới đúng đạo lý, sau này DN mới có niềm tin vào chỉ đạo của nhà nước…”

DN cũng bày tỏ mong muốn thực hiện theo tinh thần Thông báo 175/TC-VPCP của Thủ tướng Chính phủ” “Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàin cầu, theo tinh thần vừa sản xuất, vừa chến đấu với dịch bệnh”.

Doanh nghiệp thiệt hại, người lao động mất việc, đứt gãy nguồn thức ăn chăn nuôi

Cùng chung mong muốn tiếp tục được duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như Công tyVạn Đức Tiền Giang, Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Tiền Giang bày tỏ mong muốn được tiếp tục hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”

Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Masan có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi với nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Long Giang, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Để được tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang đã thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ từ ngày 15/7/2021.

Đại diện DN này cho biết, việc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đến khi có thông báo mới theo quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, công việc mưu sinh của người lao động đang làm việc tại nhà máy mà còn gây ảnh rất lớn đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông dân, trang trại đang thực hiện hoạt động chăn nuôi nhằm cung ứng nhu yếu phẩm cho xã hội trong bối cảnh hết sức đặc biệt và cấp thiết như hiện nay.

Bên cạnh đó còn là những rủi ro và thiệt hại mà DN sẽ phải gánh chịu trong việc tiếp nhận, lưu kho và bảo quản nguồn nguyên liệu đã đặt hàng dự phòng cho các kế hoạch sản xuất trong thời gian tới.

Trong đơn kêu cứu, DN cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục hoạt động sản xuất để làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng, các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến...

TIN LIÊN QUAN