Sự kiện rất có ý nghĩa cho quá trình cung cấp luận cứ khoa học xây dựng và hoàn thiện chính sách xanh hoá ở Việt Nam
Diễn đàn là một sự kiện thường niên quan trọng, nhằm tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đồng thời cập nhập những diễn biến chính sách mới trên thế giới.
Bên cạnh đó, Diễn đàn sẽ góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành/lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới.
Quang cảnh Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Những xu hướng này đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam.
Việc xem xét, thảo luận các nội dung, chính sách và triển vọng của kinh tế tuần hoàn cũng như nhận diện những vấn đề, thách thức trong thời gian tới khi thực hiện kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng. Diễn đàn của chúng ta hôm nay được tổ chức nhằm thảo luận về các chính sách của Việt Nam về kinh tế tuần hoàn, về những vấn đề đang được xem là hạn chế, là điểm nghẽn đối với các chủ thể tham gia vào kinh tế tuần hoàn; từ đó, tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Vì vậy, có thể nói Diễn đàn hôm nay là một sự kiện rất có ý nghĩa cho quá trình cung cấp luận cứ khoa học xây dựng và hoàn thiện chính sách xanh hoá ở Việt Nam trong điều kiện mới, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh.
Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.
Đề dẫn tại Diễn đàn, Thượng tướng PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên UVTW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công An, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, cho hay, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ thể hiện cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên của chúng ta. Mô hình kinh tế tuần hoàn như một phương tiện để suy nghĩ lại về cách chúng ta thiết kế, sản xuất và sử dụng các sản phẩm và vật liệu.
Trong khi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn về nhận thức và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Dù vậy, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở một số lĩnh vực như mô hình sản xuất hệ thống nông nghiệp tổng hợp và phát triển năng lượng tái tạo trong công nghiệp.
Hiện nay ở Việt Nam, thực tiễn công cuộc đổi mới trong gần 40 năm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam được Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thứcvề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Thứ nhất, kinh tế tuyến tính truyền thống gây ra sự gia tăng rác thải. Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam (2019), tiêu thụ nhựa bình quân đầu người năm 2019 ở nước ta là 41kg, cao gấp 10 lần tượng tiêu thụ 3,8kg vào năm 1990. Mặc dù chỉ là nền kinh tế nhỏ, Việt Nam đứng thứ tư thế giới về rác thải nhựa với1,83 triệu tấn/năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philipines (Jambeck và cộng sự, 2015). Phần lớn rác thải sinh hoạt hiện nay được thu gom và xử lý theo hình thức chôn lấp, số chất thải sinh hoạt được xử lý, tái chế đạt tỷ lệ thấp. Nhiều chất thải công nghiệp cũng chưa được xử lý đúng mức. Điều này một mặt tạo ra áp lực lớn về ô nhiễm môi trường, mặt khác, gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Thứ hai, kinh tế tuyến tính làm gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam trong những năm qua đều tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Dự báo tới 2030, nước ta sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn than mỗi năm. Việc tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng, cũng như lãng phí phế thải không chỉ tạo ra vấn đề môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ ba, chiến lược và chương trình hành động của Việt Nam thích ứng bối cảnh, tình hình mới: Các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn đã được đề cập khá sớm trong nhiều chủ trương của Đảng gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Tuy nhiên, khái niệm nội hàm kinh tế tuần hoàn chỉ được đề cập trong các văn kiện gần đây của Đảng. Nghị quyết 55-NQ/TW tháng 2 năm 2020 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khi đề ra giải pháp phát triển năng lượng tái tạo đã khẳng định “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.”
Quan điểm phát triển kinh tế tuần hoàn được đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên đã khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”...
Xác định “Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn” và đề ra định hướng trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Coi “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” là một trong những giải pháp chiến lược trong 10 năm tới. Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu phải “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.
Thứ tư, những khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện chương trình hành động phát triển kinh tế tuần hoàn: Nhận thức về kinh tế tuần hoàn còn nhiều hạn chế. Nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, người tiêu dùng về kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, thiếu nhận thức và hiểu biết về kinh tế tuần hoàn ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng.
Mục tiêu cần đạt được của diễn đàn lần này: (1) Nghiên cứu phân tích căn cứ từ lý luận, thực tiễn của kinh tế tuần hoàn của ngành, địa phương, đơn vị với phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đề xuất các cơ chế chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam mục tiêu phát triển bền vững. (2)- Từ bài học thành công và chưa thành công và chưa thành công củamột số nước trên thế giới để để đưa ra những cơ chế, chính sách về kinh tế tuần hoàn và môhình xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. (3) Vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để chủ động thựchiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong giai đoạn mới hết sức quan trọng và cấp bách. Thời đại CMCN 4.0, xu thế của kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, kỷ nguyên công nghệ số, trí tuệ nhân tạo hết sức đề cao vai trò của các kỹ năng mềm.
Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược
Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn được quốc tế đồng thuận là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia; tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ. Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. Nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn, 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương.
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất tập trung vào các ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng. Các chính sách cần thử nghiệm bao gồm chính sách khu công nghiệp, tín dụng xanh, phân loại xanh, khoa học-công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, cùng với các chính sách đất đai phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, Diễn đàn cũng thảo luận những vấn đề là hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến kinh tế tuần hoàn, cũng như nhận diện và xác định đúng nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay. Trên cơ sở đó, Diễn đàn sẽ có những kiến nghị, đề xuất các giải pháp để khắc phục những hạn chế, thách thức và tận dụng những lợi thế do bối cảnh mới mang lại, để có những chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ở các cấp độ: Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Ban Tổ chức Diễn đàn đã nhận được hơn 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Các bài viết tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm, then chốt như: (i) Kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; (ii) Thực trạng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tập trung vào tuyến vấn đề: thể chế, chính sách về kinh tế tuần hoàn; thực trạng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình và vấn đề khơi thông và huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường các-bon, đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng tuần hoàn và phát triển các nguồn năng lượng mới; (iii) Các rào cản, điểm nghẽn của việc thực hiện kinh tế tuần hoàn vừa qua; (iv) Những sáng kiến, những điển hình về mô hình khu công nghiệp sinh thái, mô hình kinh tế tuần hoàn ở khu vực doanh nghiệp...
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong hai phiên: Phiên thứ nhất: tham luận chuyên đề mang tính chuyên biệt, chuyên sâu và Phiên thứ hai: trao đổi, thảo luận bàn tròn giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hoạch định chính sách. Các vấn đề đã được nhận diện và được phân tích, mổ xẻ đa chiều để chắt lọc thành những đề xuất giải pháp chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh thời đại mới ở Việt Nam. Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các quý đại biểu, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi đến Chính phủ và các cơ quan liên quan.