Hết 5 tháng, có 8 bộ mới giải ngân 1%
Ngay từ cuối năm 2020, với dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp và khó lường, tình hình thế giới sẽ còn nhiều bất ổn, các động lực tăng trưởng còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thì đầu tư công được xác định là một phần quan trọng của ”cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Cũng từ lúc đó việc phần bổ vốn đầu tư công đã được thực hiện rốt ráo. Cuối năm 2020 Thủ tướng đã một lần giao hết kế hoạch đầu tư công năm 2021 với tổng số vốn là 461 nghìn tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 389 nghìn tỷ đồng, đạt 84,4% kế hoạch.
Còn lại 15,6% vốn kế hoạch tức là 71 nghìn tỷ đồng chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao chi tiết.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm hơn. Đến hết tháng năm mới giải ngân được 102.000 tỷ đồng, bằng 22, 12% kế hoạch (tỷ lệ này ở cùng kỳ năm 2020 là 25,98%). Trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,972%. Giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư công ước đạt 28,7% kế hoạch năm.
Có 7 bộ và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn 40 %, trong đó Thái Bình đã giải ngân dược 73%. Có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).
Giải ngân đầu tư công luôn dồn về nửa cuối năm và thường sẽ tăng cao ở những tháng cuối năm. Nhưng với tốc độ hết nửa năm, giải ngân mới đạt một phần ba kế hoạch làm một tốc độ chậm.
“Nếu tỷ lệ giải ngân không cao tức là số vốn đổ vào nền kinh tế để tạo động lực cho tăng trưởng sẽ thấp đi đáng kể và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý.
Năm 2021 này, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng trong khi các động lực khác là sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu và đầu tư tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài nhiều khả năng không được như dự kiến do dịch bệnh trong nước đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành và đã xâm nhập vào các trung tâm sản xuất.
Lập tổ công tác liên ngành
TS.Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng hy vọng tiến độ sẽ được cải thiện, dòng vốn đầu tư công sẽ được khơi thông mạnh mẽ nhờ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trách nhiệm quản lý đầu tư gia tăng và các khó khăn vướng mắc như trong giải phóng mặt bằng được tháo gỡ.
Ông nhấn mạnh: Thúc đẩy đầu tư công là một giải pháp để nhằm tạo động lực và hỗ trợ các khu vực kinh tế khác, góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với những yêu cầu, nguyên tắc rõ ràng, phân giao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng nguồn vốn này, giảm tình trạng đầu tư trải mành mành...
Thực hiện rốt ráo Chỉ thị này, tác động sẽ rất lớn, Tổ trưởng tổ tư vấn của Thủ tướng nói.
Còn theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ đầy đủ và hiệu quả các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về đầu tư công về xây dựng, bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy đầu tư công, thì người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ các dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiên quyết điểu chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, dự án có nhu cầu bổ sung vốn. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát đầu tư công.
Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị cần thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, đôn đốc, tháo gõ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công. Và cần lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 làm tiêu chí để xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.
Việc thành lập tổ công tác cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia. Các chuyên gia cho rằng cần kiên quyết xử lý những ai năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
Và một trong những biện pháp để đẩy mạnh đầu tư công sẽ hiệu quả đó là cần tạo động lực và cả áp lực cho các bộ, ngành và địa phương. Các bộ, các cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trong 5 tháng đầu năm nên được biểu dương. Và phê bình 13 bộ, và địa phương các cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
TS. Nguyễn Đức Kiên nhắc lại năm 2020, nhờ sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chính phủ với sự đôn đốc của tổ công tác và triển khai đồng bộ và đầy đủ các giải pháp, đầu tư công năm 2020 đã có kết quả tốt góp phần nhất định để Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng dương trong bối cảnh toàn cầu suy thoái. Đây là kinh nghiệm để năm 2021, đầu tư công tiếp tục đạt kết quả tốt.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)