Hội nghị đã đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới; vấn đề ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam; vấn đề áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu. Hội nghị cũng đã chia sẻ những xu hướng thị trường nông sản thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn, các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề mở cửa thị trường nông sản để tạo tín hiệu dẫn dắt, xung lực mới nhằm hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thực thi và sự liên kết trong thị trường.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,6 triệu tấn (trong đó khai thác biển ước đạt 3.3 triệu tấn, khai thác nội địa ước đạt 209 nghìn tấn); sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 4.4 triệu tấn. Sản lượng các loại cây trồng khác như: Xoài đạt 788.400 tấn; thanh long 1,1 triệu tấn; dứa 674.000 tấn; khoai lang 1,3 triệu tấn; rau, đậu 17,1 triệu tấn.
Cả nước hiện nay có 7.500 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã phát biểu các vấn đề về việc ứng dụng công nghệ vào công nghiệp chế biến nông sản; Việc bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông sản; Hoàn thiện cơ chế chính sách về truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những mong muốn tiếp tục có sự đồng hành, sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của Bộ NN&PTNT, của các bộ ngành, của lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng, cũng như sự hưởng ứng tham gia tích cực của đội ngũ các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, trường Đại học và các Doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp để nông sản của Việt Nam có thể tiếp cận và chinh phục được thị trường trên thế giới.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, những năm qua mặc dù sản xuất nông nghiệp của cả nước đã có sự phát triển vượt bật, đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng tiềm năng của ngành nông nghiệp vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản còn nhiều bất cập, hạn chế.
Để làm rõ vấn đề đó, hội nghị tập trung vào các chuyên đề như: Xu thế công nghệ chế biến của thế giới hiện nay và những vấn đề đặt ra trong bảo quản chế biến nông sản; định hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học dữ liệu trong chế biến và phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp; kết nối công nghệ chế biến với thị trường nông sản; xây dựng và bảo hộ tài sản trí tuệ cho nông sản Việt Nam…
Trung Kiên