PAPI là chương trình nghiên cứu về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chỉ số PAPI 2023 được thực hiện dựa trên sự tham gia của 19.536 người dân từ khắp các tỉnh thành, bao gồm 8 chỉ số thành phần là: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
Năm 2023, Thừa Thiên Huế là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI tổng hợp, với mức điểm 46,0415 (trên tổng điểm là 80), cao hơn mức trung bình của cả nước là 42,3265. Huế cũng là địa phương có số điểm ở hạng mục cung ứng dịch vụ công cao nhất trên cả nước, ở mức điểm 8,3/10.
Toàn cảnh buổi công bố chỉ số PAPI 2023
Xếp sau Huế là một số địa phương có mức điểm PAPI trong khoảng 45,5-45,7, gồm Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Trong khi đó, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM có chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công thấp hơn đáng kể, ở mức lần lượt là 43,9603 và 41,7754. Thậm chí chỉ số PAPI 2023 của TP.HCM còn thấp hơn mức chỉ số PAPI trung bình của cả nước.
Báo cáo cũng chỉ ra ra rằng, khoảng cách về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 giữa các tỉnh, thành phố không lớn. Chỉ số PAPI 2023 tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,97 điểm) và điểm cao nhất (46,04 điểm) là khoảng 7,07 điểm, nhỏ hơn khoảng cách này của Chỉ số PAPI 2021 và 2022 (với khoảng cách tương ứng của hai năm là 9,07 điểm và 10,84 điểm). Khoảng cách này cho thấy điểm các chỉ số nội dung PAPI 2023 có xu hướng hội tụ hơn. Vì vậy, chính quyền các tỉnh, thành phố không nên coi trọng điểm số tổng hợp chung, mà cần xem xét kết quả ở các chỉ số, chỉ tiêu cụ thể.
Báo cáo nhận định, các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong số 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm 'cao' có 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 4 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong số 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm 'thấp' có 7 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 3 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.