Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm phí trước bạ ô tô trong tháng 5

(CL&CS)- Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5/2024 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.

Ngày 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 12 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Tại chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5/2024 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, Chính phủ đã có 3 lần áp dụng chính sách giảm phí trước bạ 50%, lần gần nhất có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023. Tuy nhiên, không giống 2 lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước đó, thị trường ô tô chưa thể phục hồi và đi lên mà chỉ kìm hãm đà sụt giảm.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm phí trước bạ ôtô trong tháng 5

Việc này giúp kích cầu để người dân, doanh nghiệp tăng mua sắm xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Qua đó, các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng ô tô tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Đồng thời, các nhà sản xuất có cơ hội tăng sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, đáp ứng nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN.

Số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, năm 2023, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA trên toàn thị trường đạt 301.989 xe, giảm 25% so với năm 2022. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 20%, trong khi xe nhập khẩu giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu cộng cả doanh số xe Hyundai (do TC Motor sản xuất và phân phối, được công bố riêng), năm 2023, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA và TC Motor đạt 369.439 xe, giảm 24% so với năm 2022.

Đầu năm 2024, Tập đoàn THACO kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước thêm một khoảng thời gian và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo THACO, năm 2024, nếu không có chính sách kích cầu mua sắm, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục tăng, làm phát sinh các chi phí như chi phí lưu kho, chi phí bảo quản xe thành phẩm, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng xe lưu kho, khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhận định về thị trường ô tô năm 2024, đại diện TC Group từng cho biết, khi các khủng hoảng toàn cầu dần qua đi kèm với những dấu hiệu tích cực của thị trường với các chính sách hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ sẽ là cơ sở để hoạt động sản xuất lắp ráp cũng như thị trường ô tô trong nước sẽ khởi sắc và tăng trưởng tốt.

TIN LIÊN QUAN