Cùng dự có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 16 đồng chí là trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài vừa được bổ nhiệm.
Thủ tướng đã nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các trưởng cơ quan đại diện báo cáo về chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Tất cả các đồng chí được bổ nhiệm đợt này đều có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác đối ngoại.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành ngoại giao Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đã trưởng thành, lớn mạnh rất nhanh và luôn có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Thủ tướng đề nghị các đồng chí trưởng cơ quan đại diện phát huy truyền thống của ngành, truyền thống văn hóa-lịch sử của dân tộc, của đất nước, nỗ lực hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, các trưởng cơ quan đại diện cần luôn quán triệt sâu sắc và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021) và mới đây là Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng lưu ý, cần nắm vững các định hướng lớn trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện, hoàn cảnh nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; với quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tăng cường, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu chiến lược, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước, của công dân.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc: "Phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm" của công tác đối ngoại. Mỗi trưởng cơ quan đại diện cần xác định ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, góp phần vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả là một ưu tiên cao trong nhiệm kỳ công tác của mình.
Cùng với đó, cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác; củng cố hơn nữa sự tin cậy, chân thành; tăng cường hơn nữa sự gắn kết lợi ích thực chất. Trong đó, cần xác định được trọng tâm hợp tác đối với từng đối tác. Ví dụ, các nước Đông Nam Á là các nước láng giềng, cùng trong ASEAN, cần chú trọng tăng cường kết nối nền kinh tế, củng cố đoàn kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần quán triệt sâu sắc rằng góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong đó có chủ quyền biển đảo, góp phần triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, là nhiệm vụ trọng yếu của mỗi cơ quan đại diện. Phải vận động, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân các nước sở tại đối với lợi ích chính đáng và lập trường chính nghĩa của chúng ta.
Cùng với đó, công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác ngoại giao văn hóa cần được coi là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quốc gia, bản sắc dân tộc, việc dạy và học tiếng Việt… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đóng góp thiết thực vào việc "đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững" theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021). Dành sự quan tâm thích đáng, làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trên tinh thần trách nhiệm, tình cảm, xem bà con như người nhà, ruột thịt của mình, để đồng bào, kiều bào thực sự hướng về, sẻ chia, đóng góp cho quê hương, đất nước, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, trưởng cơ quan đại diện cần nêu gương cho các cán bộ, nhân viên về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và nhất là phải kiên định, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, giữ vững đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hết sức quan tâm công việc và đời sống, quyền lợi chính đáng của cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện, chú trọng đào tạo và rèn luyện cán bộ, nhân viên có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và tuyệt đối trung thành với Tổ quốc.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách với các cơ quan đại diện và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, giúp các đồng chí hoàn thành tốt nhất các trọng trách của mình./.