Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm gỗ Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Nổi bật trong bức tranh xuất khẩu gỗ Việt Nam, Bình Định được biết đến như "thủ phủ của ngành gỗ", là trung tâm sản xuất hàng gỗ phong cách ngoài trời hàng đầu thế giới. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phát biểu trong Hội nghị tổng kết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh này xấp xỉ 1 tỷ USD.
Bình Định có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp khoảng 415.700ha gồm: rừng tự nhiên 215.000ha, rừng trồng 167.000ha, độ che phủ rừng hơn 57%. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành gỗ và lâm sản, so với các tỉnh Duyên hải miền Trung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), độ che phủ rừng của Bình Định nằm trong nhóm khá tốt.
Bên cạnh tiềm năng từ tài nguyên rừng, tỉnh còn có vị trí thuận lợi khi là cửa ngõ của Tây Nguyên, Nam Lào; kết nối chặt chẽ với các vùng nguyên liệu nối với cảng biển Quy Nhơn, mở ra cơ hội lớn cho ngành logistics phát triển.
Các mặt hàng gỗ của Bình Định hiện được xuất khẩu tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, EU, Anh, Australia, Nhật Bản...
Địa phương này quy tụ số lượng lớn nhà máy chế biến gỗ, tập trung ở các Khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ (TP. Quy Nhơn) với khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng; đồng thời, nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ có quy mô lớn, trong đó đa số là công nhân có tay nghề bậc cao.
Ngành gỗ Bình Định có kim ngạch xuất khẩu gỗ chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đứng thứ tư về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước, nếu tính riêng khối doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ sau tỉnh Bình Dương.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Định, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm của của tỉnh ước đạt 215,9 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Riêng sản phẩm đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn tiêu thụ tại thị trường Mỹ ước đạt 110,7 triệu USD, tăng 6,3% so cùng kỳ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt trên 1 tỷ USD. Đến năm 2030, ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD.
Theo dự báo, năm nay sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường của ngành gỗ Bình Định. Thị trường đang ấm trở lại, các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng đơn hàng. Đồng thời nắm bắt kịp thời mọi thông tin từ các thị trường, phát huy các phân khúc sản phẩm đang có thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng doanh thu.
Tuy nhiên, ngành gỗ Bình Định vẫn đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nguyên liệu, khi mà tỷ lệ lệ thuộc vào gỗ ngoại nhập lên đến 80%. Điều này khiến cho ngành bị động về đầu vào.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Định đang tập trung phát triển rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và chứng chỉ carbon. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh sẽ đạt hơn 50.000ha.