Từ 1/9, việc cho vay để trả trước hạn khoản vay cũ tại ngân hàng khác không còn bị giới hạn trong phạm vi phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn áp dụng với cả người vay phục vụ đời sống (trong đó có vay mua nhà, mua xe).
Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 06 do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay, với nhiều điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Theo đó, các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, mua ô tô.
Như vậy, với quy định mới, khách hàng có thể chuyển khoản vay mua nhà từ ngân hàng này sang ngân hàng khác (có lãi suất thấp, nhiều ưu đãi) một cách dễ dàng và có lợi hơn. Khách hàng cũng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.
Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.
Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để Tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Để tìm hiểu thêm về quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Minh Giang - một chuyên viên môi giới bất động sản, chuyên viên tư vấn quản lý tài sản lâu năm trên thị trường về vấn đề mua nhà vay ngân hàng này đáo hạn ngân hàng khác.
Theo anh, việc khách hàng có thể vay ngân hàng này để trả khoản vay ngân hàng khác sẽ có ảnh hưởng như nào đến với quyền lợi cũng như nhu cầu của họ?
Với việc thông tư 06 sửa đổi được áp dụng từ ngày 1/9 tới đây thì khách hàng có nhu cầu vay như mua nhà, mua xe… sẽ có quyền lợi tốt hơn rất nhiều, họ sẽ có nhiều lựa chọn vay ở các tổ chức tín dụng khác nhau, bên nào chính sách tốt hơn thì khách hàng hoàn toàn của thể thay đổi khoản vay sang bên đó rất linh hoạt. Và đương nhiên, khi tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng, ưu đãi cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu vay nhiều hơn.
Với việc được chuyển khoản vay, nhu cầu mua nhà của người dân liệu có tăng lên không? Liệu khi xu hướng mua nhà tăng cao, giá nhà ở sẽ biến động như nào?
Với việc xây dựng hành lang pháp lý về luật cởi mở giúp người vay mua nhà tiếp cận nguồn vốn vay ở các tổ chức tín dụng dễ dàng, linh hoạt; tôi cho rằng nhu cầu vay mua nhà thời gian tới sẽ có xu hướng tăng dần lên.
Đương nhiên khi nhu cầu mua nhà tăng cao cũng sẽ đẩy giá bán nhà tăng lên, nhưng tôi đánh giá việc tăng giá sẽ không mạnh mẽ, người vay tiền mua nhà đều là người có nhu cầu tiêu dùng thật nên giá nhà khó tăng mạnh mà sẽ giao dịch ở mức giá hợp lý trong bối cảnh kinh tế như hiện nay.
Liệu người dân khi có những khoản vay này sẽ hướng tới phân khúc nhà ở nào: bình dân - trung cấp - cao cấp?
Trong khoảng 3 năm trở lại đây giá bất động sản ở các phân khúc đều tăng phi mã, khiến nhu cầu mua nhà của người dân để sử dụng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quan sát của tôi, phân khúc nhà bình dân và trung cấp sẽ được người dân tìm tới nhiều hơn, bởi lẽ phần lớn nhu cầu tiêu dùng thật đến từ nhóm người có thu nhập trung bình khá hiện nay.
Việc này ảnh hưởng như nào đến thị trường bất động sản? Các doanh nghiệp sẽ có đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc nhà ở hay không? Thanh khoản thị trường bất động sản thế nào khi quy định này có hiệu lực?
Theo tôi thị trường bất động sản trong những năm tới sẽ có sự dịch chuyển về phân khúc.
Việc Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn từ 2021 – 2030 cho thấy nhu cầu nhà ở phân khúc tầm trung cấp trở xuống là rất lớn và cần thiết. Các doanh nghiệp bất động sản cũng tận dụng lợi thế vốn có của mình để triển khai những dự án mới trong phân khúc này vào những năm tới.
Khi quy định mới có hiệu lực chắc chắn thanh khoản của thị trường bất động sản sẽ có nhiều khởi sắc hơn và tổng quan chung sẽ giúp thị trường bất động sản dần hồi phục trở lại và phát triển bền vững hơn.