Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ giải ngân thấp

Trong phiên chất vấn sáng 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã lý giải vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ đang ở tình trạng nhu cầu cao nhưng giải ngân thấp.

Sáng nay (6/11), ba Bộ trưởng, trưởng ngành Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày tại kỳ họp 6 của Quốc hội.

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ nhiều vấn đề xoay quanh việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng "nhu cầu cao nhưng giải ngân thấp", việc chưa thể bỏ hạn mức (room) tín dụng để điều tiết thị trường, tín dụng đen...

Cụ thể,  Bà Trần Thị Thanh Hương -Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tố quốc tỉnh An Giang hỏi về vướng mắc, giải pháp khi gói này mới giải ngân 100 tỷ, trong khi nhu cầu nhà ở, theo bà rất lớn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030. Nguồn tiền cho gói tín dụng này đến từ nguồn huy động tín dụng trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.

Bà cho biết, khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các nhà băng và đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay.

Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ để triển khai gói tín dụng này. Hiện có 18/63 UBND gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tới cuối tháng 10.

Nêu nguyên nhân khiến gói này hạn chế, theo bà Hồng, trước tiên do nguồn cung về nhà ở hạn chế, nhu cầu vay của người lao động thấp cũng thấp. "Nhu cầu nhà ở lớn, nhưng nhu cầu vay để mua nhà thì họ cần cân nhắc kỹ", bà nói.

Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở... Gói vay này thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp. Bà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.

Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ, ông Nguyễn Anh Trí - nguyên Giám đốc Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, nhận xét bà Hồng trả lời đúng nhưng bổ sung thêm là không chỉ cần ngân hàng vào cuộc mà cần cả hệ thống, gồm Bộ Xây dựng, địa phương, công đoàn, các cơ quan, đơn vị và người lao động từ bố trí địa điểm, diện tích, chất lượng, mức giá.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhất trí với ông Trí. Chương trình hướng đến xây dựng một triệu nhà ở xã hội trong 10 năm rất nhân văn, cần dùng nhiều nguồn lực tài chính. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp cho lao động và công nhân rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn là sự cân nhắc của người dân, nên có thể thông qua vay vốn nhưng có phần từ nguồn lực Nhà nước để giải quyết vấn đề nhà ở cho họ.

Từ góc độ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói 120.000 tỷ đồng. Gói này cũng mở rộng ra các ngân hàng thương mại cổ phần khác tham gia, đến nay có một ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng, nâng gói lên. Nếu có ngân hàng khác tham gia, gói vay này sẽ nâng lên.

"Việc này cần sự vào cuộc của toàn hệ thống, các địa phương, bộ ngành để gỡ khó khăn vướng mắc, đạt được mục tiêu của chương trình", bà Hồng nói.