Dựa trên chủ đề Ngày Người tiêu dùng Thế giới năm ngoái (2020) là "Người tiêu dùng bền vững", chiến dịch năm nay cũng sẽ tập trung vào vai trò trung tâm mà những đối tác ủng hộ người tiêu dùng, chính phủ và doanh nghiệp có thể thực hiện trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Nhựa có thể là vật liệu rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày, nhưng việc tiêu thụ và sản xuất nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần đang ngày càng trở nên không bền vững dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Điều này đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe của chúng ta. Nó đặc biệt quan trọng khi chúng ta tiếp tục thấy tác động của đại dịch COVID-19 toàn cầu lên ô nhiễm nhựa với sự gia tăng sử dụng các sản phẩm dùng một lần bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm bằng nhựa.
Báo cáo của tổ chức Pew Charity Trusts & SYSTEMIQ về “Phá vỡ làn sóng nhựa”, phát hành vào tháng 8 năm 2020, đã cho thấy rằng theo tính toán của các nhà khoa học dòng chảy vật liệu nhựa ra đại dương sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040 nếu không có những thay đổi lớn về chính sách và thay đổi trong hành vi. Hãy điểm qua một số số liệu đáng báo động sau đây:
• Đến năm 2050, người ta ước tính rằng trong các đại dương nhựa sẽ nhiều hơn cá;
• 100.000 động vật có vú và rùa biển và 1 triệu loài chim biển bị chết do ô nhiễm nhựa tại biển hàng năm;
• Ước tính có khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm;
• Nhựa sử dụng một lần chiếm 50% lượng nhựa được sản xuất hàng năm;
• Một nửa tổng số nhựa từng được sản xuất đã được sản xuất trong 15 năm qua;
• 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng.
Người tiêu dùng ngày càng lo ngại về ô nhiễm nhựa và họ đã hành động. Một nghiên cứu toàn cầu vào năm 2019 cho thấy đã có sự phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với rác thải nhựa (với 82% người được hỏi sử dụng các dụng cụ vệ sinh có thể tái sử dụng thay vì các dụng cụ thay thế làm bằng nhựa sử dụng một lần, 72% mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm và 62% sử dụng chai nước uống có thể dùng lại). Mặc dù việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần tăng lên trong thời kỳ đại dịch, 55% người tiêu dùng trên toàn cầu giờ đây đã trở nên quan ngại hơn đến môi trường như là hệ quả của dịch COVID-19 và gần 74% người tiêu dùng (ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Nam Mỹ) sẵn sàng chi nhiều hơn cho bao bì bền vững.
Chiến dịch Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới năm 2021 sẽ tập trung vào mô hình quản lý theo 7R: Rethink (thay đổi tư duy), Refuse (Từ chối), Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế), Repair (Sửa chữa) và Replace (Thay thế). Chúng ta sẽ biểu thị cách người tiêu dùng ở khắp mọi nơi đang thực hiện các hành động tương ứng với 7R, cũng như yêu cầu chính phủ và doanh nghiệp phải hỗ trợ họ làm nhiều hơn nữa.
Người tiêu dùng có thể đánh giá lại thói quen tiêu dùng của mình để giảm thiểu việc sử dụng nhựa, từ chối đồ nhựa không cần thiết nếu có thể và yêu cầu các lựa chọn thay thế từ các doanh nghiệp và chính phủ phải bền vững hơn, giảm lượng nhựa họ mua và thải bỏ, kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm nhựa bằng cách tái sử dụng chúng, xử lý rác thải nhựa một cách thích hợp bằng cách tuân theo các hướng dẫn tái chế tại địa phương, sửa chữa các vật dụng và thiết bị nếu có thể, và thay thế các sản phẩm hoặc bao bì nhựa với các lựa chọn thay thế bền vững hơn.
Sự thay đổi thị trường có hệ thống được yêu cầu ở tất cả các cấp từ chính phủ, doanh nghiệp và các nhà thiết lập tiêu chuẩn để làm cho việc ngăn chặn ô nhiễm nhựa và tiêu dùng bền vững trở thành sự lựa chọn dễ dàng cho người tiêu dùng. Để đạt được tác động ở quy mô cần thiết, chúng ta cần có định hướng sao cho các lựa chọn không bền vững không còn là các lựa chọn khả thi. Cung cấp các giải pháp thay thế bền vững hơn, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng, xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế hiệu quả và đảm bảo rằng người tiêu dùng có thông tin họ cần để đưa ra lựa chọn sáng suốt chỉ là một số cách để điều này có thể đạt được.
Các Thành viên của CI được yêu cầu tham gia với người tiêu dùng và các đối tác để thúc đẩy các thực hành bền vững hơn, sử dụng Mô hình Quản lý Chất thải 7R (Rethink-thay đổi tư duy, Refuse- từ chối, Reduce-giảm thiểu, Reuse-tái sử dụng, Recycle-tái chế, Repair-sửa chữa và Replace-thay thế).
Ngăn chặn ô nhiễm nhựa là một thách thức toàn cầu đòi hỏi thực hiện các giải pháp phối hợp quốc tế. Với tư cách là một phong trào tiêu dùng toàn cầu, các thành viên CI có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này và thúc đẩy việc tiêu thụ và sản xuất nhựa một cách bền vững.
Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (Consumer International – CI) với trên 200 thành viên là các tổ chức người tiêu dùng và tổ chức có hoạt động liên quan tại trên 100 nước trên thế giới được thành lập nhằm bảo vệ và hỗ trợ người tiêu dùng, giúp đảm bảo họ được đối xử an toàn, công bằng và trung thực thông qua nhiều hoạt động như vận động chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn thực hành v.v... Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (VINASTAQ) là thành viên của CI từ năm 1993.
Ngày 15 tháng 3 hằng năm kể từ năm 1983 được CI chọn làm Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới (WCRD) do CI chủ trì điều phối tổ chức hằng năm trên toàn cầu nhằm nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ và nâng cao vị thế người tiêu dùng.