Trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5/2024 (từ ngày 26/4/2024 đến ngày 2/5/2024) để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến cung ứng khoảng 900 nghìn ghế trên các đường bay nội địa, trong đó các đường bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi đến các địa phương là 657 nghìn ghế, 3,4 nghìn chuyến bay, tăng tương ứng 4,2% về ghế cung ứng và 5,5% về số lượng chuyến bay so với cùng kỳ năm 2023. Đội tàu bay khai thác dự kiến của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn này là 165-170 tàu, giảm 40-45 tàu bay so với cùng kỳ năm 2023.
Nhằm đảm bảo tải cung ứng trong bối cảnh ngành hàng không đang đối điện với việc lực lượng vận tải bị thiếu hụt, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo các hãng hàng không, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp tăng cường tải cung ứng vào giai đoạn nghỉ lễ 30/4-1/5/2024.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tăng tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài (HAN) từ 37 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày và 30 chuyến giờ/vào khung giờ ban đêm lên tương ứng là 42 chuyến/giờ và 32 chuyến/giờ; tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) từ 42 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày và 32 chuyến giờ/vào khung giờ ban đêm lên tương ứng là 44 chuyến/giờ và 36 chuyến/giờ. Trong các ngày 26/4, 27/4, 30/4 và 1/5/2024, tăng tham số điều phối tại SGN lên 46 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày.
Ngoài ra, Cục đã hỗ trợ các hãng hàng không điều chỉnh slot tại HAN, SGN cũng như các cảng hàng không khác giúp các hãng hàng không Việt Nam tối ưu hóa lịch khai thác, tăng giờ khai thác đội tàu bay, đồng thời giảm thời gian quay đầu tàu bay phù hợp với điều kiện khai thác của từng cảng hàng không, sân bay.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng tìm kiếm, bổ sung tàu bay bằng việc thuê ướt các tàu bay trong giai đoạn ngắn hạn; kéo dài thời gian khai thác đội tàu bay, đặc biệt là tăng cường khai thác vào các khung giờ tối và ban đêm. Theo đó, dự kiến, thời gian khai thác tàu bay của Vietnam Airlines tăng từ 10 tiếng/tàu bay/ngày lên khoảng 11-12 tiếng/tàu bay/ngày và Vietjet Air tăng khai thác tàu bay từ 12-13 tiếng/tàu bay/ ngày lên khoảng 13-14 tiếng/tàu bay/ngày.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phục vụ mặt đất trong công tác phục vụ chuyến bay, qua đó rút ngắn thời gian quay đầu tàu bay từ 45 phút xuống khoảng 30-35 phút, phù hợp với điều kiện khai thác thực tế của hãng hàng không, cảng hàng không sân bay và tăng cường đưa tàu bay thân rộng vào khai thác nội địa để góp phần bổ sung/tăng tải cung ứng.
Về phía các cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đảm bảo nguồn nhân lực và phối hợp các hãng hàng không trong công tác phục vụ các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay vào các khung giờ đêm, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hãng hàng không duy trì, ổn định tối đa tỷ lệ, tần suất, đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn và năng lực khai thác.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, theo tính toán cao điểm Hè năm nay tải cung ứng cần khoảng 24-26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số tàu bay còn thiếu để phục vụ đợt cao điểm dự kiến thiếu từ 24-26 chiếc. Khó nhất là trên thế giới việc thuê tàu bay hiện vừa khan hiếm, vừa tăng giá. Nếu thời điểm trước Tết, giá thuê tàu bay A321 là 2.300 USD/giờ thì hiện tại, con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Các hãng dù tích cực đàm phán cũng rất khó thuê. |