Magnom Properties - một doanh nghiệp bất động sản thuộc sở hữu Nhà nước Saudi Arabia mới đây đã công bố dự án xây dựng tòa tháp văn phòng 50 tầng với tổng vốn đầu tư xây dựng ước tính khoảng 1 tỷ USD. Địa điểm thực hiện dự án là tại thủ đô hành chính mới của Ai Cập, cách Cairo khoảng 50km về phía Đông.
Dự án dự kiến sẽ được khởi công từ đầu năm 2025. Công trình khi được hoàn thành sẽ là tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng hydro sạch. Hiện tại trên thế giới, năng lượng hydro như một giải pháp thay thế an toàn và sạch cho nhiên liệu hóa thạch. Nguồn năng lượng này có thế sử dụng cho các hệ thống giao thông hiện đại, cung cấp năng lượng cho xe cộ, nhà cửa và thậm chí cả các ngành công nghiệp. Đây cũng được đánh giá là nguồn năng lượng tương lai của thế giới.
Dự án tòa tháp văn phòng 50 tầng sử dụng năng lượng hydro sạch cũng được coi là màn "đánh cược" của Magnom Properties khi cho rằng thủ đô hành chính mới của Ai Cập sẽ thành điểm hút khách du lịch quốc tế. Hiện tại, thủ đô mới của Ai Cập đang được xây mới hoàn toàn tại vùng sa mạc phía Đông Cairo, đáp ứng nhu cầu dân số ước tính lên đến hơn 6 triệu người.
Ngoài ra, với tham vọng sử dụng hoàn toàn năng lượng hydro để vận hành tòa nhà, Magnom Properties cũng đánh cược vào loại hình năng lượng tái tạo vốn vẫn chưa được kiểm chứng minh ở quy mô lớn. Điều này phù hợp với tầm nhìn của Ai Cập khi quốc gia này định là một trung tâm năng lượng xanh để có được lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Theo giám đốc điều hành dự án của Magnom, doanh nghiệp này sẽ nhanh chóng thiết kế chi tiết cho tháp và đặt tên là Forbes International. Dự kiến, tòa tháp sẽ hoàn thành vào năm 2030, sau quá trình xây dựng kéo dài 5 năm.
Với một phần vốn từ tập đoàn truyền thông Forbes, tòa tháp Forbes International được giới thiệu sẽ có hệ thống an ninh mạng tiên tiến, 2 thang máy VIP siêu nhanh và một bãi đáp trực thăng. Khi hoàn thiện, công trình này cũng sẽ trở thành tòa tháp đầu tiên không phát thải carbon ở Trung Đông và Bắc Phi. Cũng theo kế hoạch thiết kế, các tấm pin Mặt Trời được lắp đặt ở mặt trước của tòa nhà sẽ đóng góp 25% lượng điện tiêu thụ, phần còn lại được tạo ra từ hydro sạch được vận chuyển đến tòa nhà dưới dạng lỏng.
Được biết, để chuẩn bị cho kế hoạch này, doanh nghiệp đã mua đất tại khu thương mại của thủ đô mới từ năm 2021 và đang lựa chọn đất cho các tòa tháp tương tự sẽ được xây dựng trong tương lại tại Dubai và Riyadh. Mục tiêu của doanh nghiệp với các tòa tháp chọc trời là xây dựng một mạng lưới không gian văn phòng hiện đại và tiện nghi trên khắp khu vực.
Thủ đô mới là dự án tham vọng nhất trong một loạt siêu dự án được đề ra dưới thời Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. Theo đó, các Bộ trong Chính phủ Ai Cập sẽ chuyển văn phòng đến thành phố này này 7/2023, thế nhưng chưa nhiều cư dân chuyển đến đây, quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chưa được hoàn tất.