Thanh Trì- Hà Nội: Tạo cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề

(CL&CS)- Tối 27/9, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022 …

Tham gia sự kiện có khoảng 80 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm của các cơ sở sản xuất, làng nghề thuộc huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội, chủ yếu là sơn mài, gốm sứ, mây tre đan, thêu, nông sản thực phẩm... Bên cạnh đó là các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các doanh nghiệp, chủ thể OCOP giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm OCOP Hà Nội và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, tin dùng, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, chủng loại, an toàn vệ sinh thực phẩm… Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chủ thể OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì tiếp tục tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì, trong sự kiện này, huyện Thanh Trì kết hợp tổ chức không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề chào mừng kỷ niệm 68 năm giải phóng huyện (06/10/1954 - 06/10/2022) và giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022). Huyện Thanh Trì xác định việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo ra hướng đi mới trong kinh doanh sản phẩm có lợi thế của huyện.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội thông tin, huyện Thanh Trì tính đến nay đã có 58 sản phẩm được đánh giá, phân hạng của 10 chủ thể tham gia, trong đó có 32 sản phẩm đạt 4 sao và 26 sản phẩm đạt 3 sao. Riêng năm 2021, huyện có 9 sản phẩm của 3 chủ thể được đánh giá, phân hạng với 4 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Chí đề nghị, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được thành phố Hà Nội công nhận cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố để khảo sát, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng OCOP trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP nhằm trưng bày, giới thiệu các mặt hàng đặc sản địa phương, các sản phẩm có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển, nâng cấp chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn; tổ chức đánh giá, xếp hạng từ 20 - 40 sản phẩm, trong đó có từ 20 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao; triển khai thực hiện ít nhất 1 mô hình làng nghề gắn với du lịch…

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội:

TIN LIÊN QUAN