Vào sáng ngày 15/7, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND TP. HCM đã có tờ trình gửi HĐND thành phố về chủ trương đầu tư dự án xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh.
Theo phương án trình thành phố, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Bình Thạnh làm chủ đầu tư với tổng vốn thực hiện hơn 651 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, dự án cần hơn 497 tỷ đồng và trong giai đoạn 2026-2030, con số này là gần 154 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2024 đến năm 2027.
Theo đó, đoạn kè nói trên đã được xây dựng cách đây 15 năm. Đến nay, công trình này đã nhiều lần bị hư hỏng do sạt lở, trong đó có hơn 200m bị sụt lúm vào năm 2023. Đáng nói, nhiều ngôi nhà sát bờ sông bị lún, nứt, nghiêng về hướng sông, khiến người dân luôn ở trong trạng thái bất an, lo lắng.
Bên cạnh đó, vào các ngày triều cường lên cao, phần trụ kè gần như bị nhấn chìm trong nước. Mỗi khi có tàu thuyền qua lại cũng sẽ tạo ra các đợt sóng nước mạnh, đánh thẳng vào khu vực bờ kè khiến nhiều trụ bê tông nứt gãy. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, đặc biệt gây nguy hiểm đến an toàn về người và tài sản người dân.
Theo phương án thành phố đưa ra, đoạn kè sẽ được làm lại trụ, có khung lan can bảo vệ và tường chắn bê tông cốt thép. Ngoài ra, phần chân kè cũng sẽ được gia cố bằng thảm đá chặn chân mái kè để chống xói lở.
Đoạn kè cũng làm lại hệ thống thoát nước, bố trí cống ngang thoát nước từ phía nhà dân ra sông và có cửa van một chiều ngăn triều. Ngoài ra, đoạn đường D9 tiếp giáp sau kè với chiều dài gần 500m, rộng 16, cũng sẽ được đầu tư, sửa chữa.
Theo UBND TP. HCM, việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình kè kiên cố sẽ giúp khắc phục được tình trạng sụt lún, sạt lở đang gây mất an toàn cho cuộc sống của người dân sống ở khu vực này.
Bên cạnh đó, việc cải tạo lại đoạn kè và đường D9 tiếp giáp sau kè cũng góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, kết hợp chỉnh trang đô thị cũng như cải tạo môi trường và cảnh quan khu vực theo quy hoạch.
Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có tổng cộng 898 đô thị các loại, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP. HCM) 22 đô thị loại 1.