Thành phố cao và khắc nghiệt nhất thế giới: Cuộc sống 'nghèo không thể tả', được xem như 'thiên đường của quỷ', người dân chỉ thọ tới tuổi 35

Nằm ở độ cao trên 5.000m ở Peru, nơi đây được coi là thành phố cao nhất và nghèo nhất thế giới.

La Rinconada ở Peru là địa điểm có con người định cư cao nhất thế giới - hơn 5.000m trên mực nước biển. Nơi đây cũng ở hữu điều kiện sống khắc nghiệt hàng đầu mà nhân loại từng biết đến. Mặc dù vậy, nó vẫn có hàng chục nghìn cư dân cứng cỏi nhất trụ lại.

Thành phố La Rinconada nằm ở độ cao gần 5.000m so với mực nước biển.

Thành phố nằm trên đỉnh Ananea thuộc dãy Andes, Peru. Phần lớn thời gian trong năm tại đây trải qua nhiệt độ dưới 0. Lối duy nhất để tiếp cận thành phố là con đường độc đạo hiểm trở, cheo leo, phủ toàn cỏ, đá và băng. Một chuyến đi đến đây có thể mất tới nhiều ngày. Du khách cũng né xa địa điểm hẻo lánh này bởi nó thiếu hoàn toàn khách sạn, bệnh viện. Chính quyền thì gần như không hiện diện tại đây.

Nơi đây hoàn toàn không có bệnh viện, khách sạn.

Vì độ cao, không khí ở đây quá loãng và vô cùng khó thở cho du khách cũng như người ngoài. Đối với những cá nhân bình thường, chỉ cần ở 3.000m là sẽ cảm nhận được hiện tượng "say độ cao" do thiếu dưỡng khí. Tuy vậy, cư dân thành phố đã quen với điều kiện khắc nghiệt trên.

Không chỉ có khí hậu lạnh giá quanh năm, thành phố La Rinconada còn bị bao phủ khắp nơi là rác. Nguồn nước uống tại đây bị nhiễm độc bởi thủy ngân, một kim loại nặng được sử dụng trong các mỏ khai thác vàng. Bởi để tách được vàng từ đá, người dân thường rửa viên đá đó bằng thủy ngân và nước lạnh tan từ những dòng sông băng. Nước thải chảy xuống núi vào các hồ, sông.

Công nhân khai thác vàng thủ công bằng cách sử dụng thủy ngân.

Vùng đất này còn được mệnh danh là "thiên đường của quỷ". Người dân sống tại đây thường chỉ sống đến 30-35 tuổi do mắc các bệnh về phổi, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, các vấn đề về thần kinh gây mất trí nhớ, dị tật, bại liệt và thậm chí tử vong.

Người dân ở đây thường sống không quá 35 tuổi.

Ông Federico Chavarry, công tố viên tội phạm môi trường của thành phố La Rinconada, cho biết: "Nước được sử dụng trong các mỏ khai thác đổ vào các hệ thống sông ngòi hạ nguồn khiến cho những vùng canh tác nông nghiệp ở các khu vực đó phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng. Cũng chính những nguồn nước này mang kim loại nặng trực tiếp đến hồ Titicaca".

Titicaca là hồ lớn nhất Nam Mỹ, là nguồn cung cấp nước uống và nguồn thủy hải sản quan trọng cho người dân sống quanh khu vực này. Chất thải từ quá trình chế biến vàng làm tăng thêm sự ô nhiễm sẵn có ở khu vực, gây ra bởi nguồn nước thải chưa được xử lý của các thành phố xung quanh. Vào năm 2012, Quỹ Thiên nhiên Toàn cầu (một tổ chức phi lợi nhuận của Đức) đã gọi Titicaca là hồ đáng sợ nhất thế giới.

Tất cả đàn ông La Rinconada làm việc trong các khu mỏ.

Những điều kiện sống tồi tệ nơi đây chỉ "chứa chấp" những người cứng cỏi nhất. Xương sống kinh tế của cả thành phố là các mỏ vàng đào vào trong lòng núi. Từ năm 2001-2009, giá vàng gia tăng 235% - tỷ lệ thuận với dân số của vùng. Khi giá kim loại quý này tiếp tục leo thang, số người định cư tại La Rinconada đã lên tới 50.000 vào 2012.

Phần lớn dân số là những người Peru lạc quan vào tương lai của mỏ vàng. Do không được quản lý, các thợ mỏ nơi đây không được trả theo cách truyền thống. Trái lại, họ nhận được tất cả số vàng họ tìm thấy vào ngày cuối cùng mỗi tháng.

Hoạt động đào vàng đã diễn ra hàng thế kỷ tại dãy Andes. Các thợ mỏ ở thành phố phải leo núi 30 phút mỗi ngày đến nơi làm việc. Chưa kể, những khu mỏ thường chứa đầy khí độc như thủy ngân, cyanide và thiếu oxy.

Những người phụ nữ tìm kiếm vàng từ bãi thải.

Ngoài những thợ mỏ chính thức, thành phố La Rinconada còn có một loại thợ khác: đó là những phụ nữ, được gọi là "pallaqueras", phần lớn là những bà mẹ đơn thân hoặc vợ của các thợ mỏ. Hàng ngày, họ theo dõi những chiếc xe tải chở đá thải từ các mỏ, đổ xuống những bãi rác lộ thiên. Khi đá đổ xuống, họ chen chúc nhau tìm kiếm những mẩu đá có dấu vết của vàng, mặc kệ khói bụi và mùi hóa chất, chưa kể sự quấy rối tình dục của những tay quản lý bãi thải cho phép họ tìm kiếm. Nếu may mắn tìm thấy đá có vàng, họ nghiền đá với thủy ngân bằng phương pháp thủ công rồi đem đến những điểm thu mua, nơi những người chế tác thổi nó bằng đèn khò để thủy ngân bốc hơi, còn lại vàng.

Tuy nhiên, tất cả những hậu quả độc hại ấy không làm động lòng các đại lý thu gom, các nhà tinh chế ở Mỹ, Thụy Sĩ, Anh, Pháp… và một số quốc gia khác mua vàng của La Rinconada để biến nó thành vàng thỏi cùng những đồ trang sức rực rỡ. Điều ngạc nhiên là khi bán ra thị trường, số vàng này không hề có dấu hiệu nào cho thấy nó xuất xứ từ La Rinconada. Các nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn cung tốt hơn, đáp ứng các tiêu chí về môi trường gần như không có tác dụng bởi lẽ nếu mua vàng của La Rinconada, các nhà buôn có thể tiết kiệm từ 2-3 USD/ounce.

Kể từ khi giá vàng từ mức dưới 300USD/ounce ở thập kỷ trước tăng lên hơn 2.000 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, việc khai thác vàng ở La Rinconada ngày càng gia tăng cường độ, đến mức nó thu hút cả những nông dân trong thời gian nhàn rỗi giữa hai vụ mùa.

Thành phố không có dòng nước chảy qua và việc xây dựng đường ống thoát là bất khả thi. Do đó, vấn đề xử lý rác thải hoàn toàn tùy ý cư dân.

Với nhiều chủ mỏ không chính thức, vàng thường được bán trên thị trường chợ đen rồi được "rửa sạch" bằng các giấy tờ hợp pháp. Với những công ty thu mua để xuất khẩu, họ chỉ cần người bán có loại giấy tờ này mà chẳng cần kiểm tra xem vàng có xuất xứ từ mỏ nào và việc khai thác có tuân theo những quy định của Chính phủ hay không.

Trong suốt hai thập niên qua, Chính phủ Peru đã có nhiều nỗ lực để đưa người khai thác - kể cả chủ mỏ lẫn thợ mỏ tuân thủ các quy định về hành chính, lao động và môi trường nhưng quá trình đó - được gọi là chính thức hóa - mất rất nhiều thời gian.