Thánh địa Mỹ Sơn - Tuyệt tác văn hoá Chăm Pa

(CL&CS) - Thánh địa Mỹ Sơn là địa danh du lịch nổi tiếng ở Quảng Nam. Đây là di sản văn hóa lịch sử mang đậm dấu ấn văn hoá Chăm Pa với quần thể kiến trúc đền đài độc đáo, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Thánh địa Mỹ Sơn nằm tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là quần thể di sản mang kiến trúc của người Chăm Pa cổ. Với đường kính rộng khoảng 2km cùng hơn 70 ngôi đền tháp khác nhau, thánh địa Mỹ Sơn mang nhiều nét kiến trúc lịch sử tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của Chăm Pa cổ. 

Theo thuyết minh, di tích này có niên đại vào khoảng thế kỷ IV bởi vua Chăm Pa – Bhadresvara và từng là nơi dùng được dùng để thờ cúng thần Linga và Shiva. Hai thế kỷ sau, ngôi đền bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn lớn. Tới thế kỷ VII, vua Sambhuvarman đã cho xây lại các ngôi đền và những di tích này còn tồn tại đến ngày nay. 

Thánh địa Mỹ Sơn nằm tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là quần thể di sản mang kiến trúc của người Chăm Pa cổ.

Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm ẩn mình sâu trong thung lũng với núi non trùng điệp bao quanh. Khi xưa, Mỹ Sơn từng là nơi mà người dân dùng để cúng tế cũng như đặt các lăng mộ của các các vị vua Chăm Pa thời kỳ đó.

Khí hậu của Quảng Nam cũng như những địa phương thuộc khu vực Duyên hải miền Trung khác là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa mưa ở đây bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 và mùa khô kéo dài tháng 2 đến tháng 8 hằng năm. Để tham quan thánh địa Mỹ Sơn, thời gian lý tưởng nhất là vào mùa hè, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4. Lúc này, tiết trời nắng ráo, ít mưa, bạn có thể thoải mái di chuyển, khám phá địa danh lịch sử này.

Bạn Hoài Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Em cùng bạn bè đến du lịch thánh địa Mỹ Sơn để tìm hiểu thêm về những nét văn hoá lịch sử của người Chăm Pa xưa. Những nét kiến trúc tại đây làm cho chúng em rất choáng ngợp và thật sự ngạc nhiên, tò mò”.

Thánh địa Mỹ Sơn đa số đều được xây dựng bằng gạch nung đỏ.

Thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn từ kiến trúc huy hoàng xa hoa của Ấn Độ, gồm một tổ hợp nhiều đền đài của vương quốc Chăm Pa, bao quanh là núi đồi. Đa số đều được xây dựng bằng gạch nung đỏ. Cho đến tận ngày nay, kỹ thuật xây dựng, gắn kết những viên gạch này vẫn còn bí ẩn lớn. Ngoài ra, những nét chữ ký bằng tiếng Phạn cổ trên các tấm bia cũng thu hút sự quan tâm của du khách. 

Kiến trúc thánh địa Mỹ Sơn được chia làm 6 loại đặc trưng. Trong đó, bao gồm phong cách cổ kính, Hòa Lai, Mỹ Sơn, Ponagar, Đồng Dương và phong cách Bình Định. Điểm chung của các loại kiến trúc này đều là đầu tháp hình chóp. Đây được cho là biểu tượng của đỉnh Meru – nơi cư trú của các vị thần Hindu. 

Tường bên ngoài tháp được làm từ những phiến gạch khắc hoa văn lá cuốn hình chữ S độc đáo. Đâu đó là những pho tượng sa thạch hình Makara, vũ nữ Apsara, sư tử, chim thần Garuda, voi,… được sắp xếp khăng khít với nhau tạo điểm nhấn tôn lên sức sống mãnh liệt của người Chăm cổ.

Khu di tích Mỹ Sơn không chỉ là kiệt tác của nền kiến trúc Champa. Mà còn ghi dấu ấn bởi nền văn hóa khu vực Đông Nam Á, tiêu biểu là Ấn Độ giáo.

Khu di tích Mỹ Sơn không chỉ là kiệt tác của nền kiến trúc Champa. Mà còn ghi dấu ấn bởi nền văn hóa khu vực Đông Nam Á, tiêu biểu là Ấn Độ giáo. Trải qua hàng thế kỷ, khu di tích Mỹ Sơn ít nhiều cũng bị tàn phá bởi chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, nhờ công lao của người dân và chính quyền địa phương mà nơi đây vẫn còn rất nhiều tòa tháp nguyên vẹn, là những di tích đáng tự hào của dân tộc ta.

Du khách từ phương xa tới thăm thánh địa Mỹ Sơn còn được thưởng thức điệu múa Apsara nổi tiếng, lấy cảm hứng từ tượng đá sa thạch. Với tựa đề “Linh hồn của đá”, điệu múa mượt mà, uyển chuyển, tôn đường cong của phái đẹp Chăm Pa cổ xưa. 

Ngày nay, điệu múa này thường được biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật quan trọng của tỉnh. Hoặc phục vụ cho các đoàn khách du lịch phương xa khi tới tham quan thánh địa Mỹ Sơn. Tiếng trống Paranưng và tiếng khèn Saranai náo nhiệt sẽ biến du khách hoá thân vào những cô gái Chăm Pa trong điệu múa truyền thống.

“Tôi may mắn được trải nghiệm lễ hội Kate khi đến du lịch tại thánh địa Mỹ Sơn. Nơi đây không chỉ có nền kiến trúc độc đáo mà còn hấp dẫn du khách bởi những đặc biệt trong văn hoá của người Chăm cổ. Du khách rất hào hứng và bị thu hút bởi các nghi lễ được diễn ra tại đây”, anh Vũ Nhật Khánh, du khách đến từ Yên Bái cho biết.

Du khách từ phương xa tới thăm thánh địa Mỹ Sơn còn được thưởng thức điệu múa nổi tiếng.

Du khách đến thánh địa Mỹ Sơn không thể nào bỏ qua lễ hội Katê, một trong những lễ hội lớn nhất, diễn ra vào tháng 7 hằng năm theo lịch người Chăm. Tại đây, du khách không chỉ được tham quan di sản độc đáo mà còn được tham gia các nghi lễ cúng cầu an, rước nước, kiệu rước lễ phục… Ngoài ra, lễ hội Katê còn có rất nhiều màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc, được kết hợp những đạo cụ truyền thống khiến bạn khó lòng rời mắt. Đây vừa là dịp để những người dân bản địa tưởng nhớ về lịch sử hào hùng vừa tạo nên những điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. 

Thánh địa Mỹ Sơn – nơi từng là trung tâm tôn giáo và văn hóa của nhà nước Chăm Pa chắc chắn sẽ còn có nhiều điều kỳ thú đang đợi bạn đến và khám phá.

TIN LIÊN QUAN