70-85% nông sản xuất khẩu thô
Với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD trong trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao.
Phát biểu tại Tọa đàm “Cơ hội và tiềm năng của ngành Nông nghiệp Việt Nam-Đài Loan trong phát triển chuỗi nông sản”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông sản còn chưa cao.
Số liệu thống kê cho thấy có đến 70% - 85% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra phổ biến, sản xuất manh mún, chất lượng của hàng nông sản chưa được đồng đều, công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng bộ, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao, dẫn đến cạnh tranh kém và bị ép giá trên thị trường quốc tế.
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu. Do quy mô nhỏ, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, kiểm nghiệm, máy móc thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn chuyên gia có kỹ thuật cao để hỗ trợ, tư vấn phát triển các ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm…
Do đó, cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, chuyển sang hữu cơ, sản phẩm sạch. Ngoài ra, cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng cũng cần thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu.
Liên kết để sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị
Để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đồng thời nâng cao giá trị nông sản, theo các chuyên gia, doanh nghiệp phải hợp tác để sản xuất quy mô lớn, đồng bộ và có sự liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, liên kết để sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị chính là xương sống trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thông qua phát triển các chuỗi liên kết sẽ kéo theo sự phân công công việc phù hợp với từng đối tượng sản xuất, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng đảm bảo phát triển bền vững.
Đề xuất các giải pháp để phát triển chuỗi nông sản, TS Ngô Phương Thảo (trường Đại học Đại Nam) cho rằng, muốn vào được thị trường nước ngoài, Việt Nam cần phải hoàn thiện và đồng bộ hóa giữa các khâu trong chuỗi cung ứng hàng nông sản trong xuất khẩu. Đồng thời phải tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối lớn ở các nước phát triển, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản Việt Nam. Theo đó, cần xây dựng mô hình chuỗi cung ứng hàng nông sản tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm từ khâu đầu tiên, phải tổ chức lại sản xuất, từ khâu giống, chăm sóc, thu hái, chế biến. Đây sẽ là điều kiện cơ bản để xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả. Trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò làm trọng tài trong một sân chơi bình đẳng, có chính sách rõ ràng giúp doanh nghiệp và nhà nông tham gia ký kết mua, bán nguyên liệu, có quy hoạch hợp lý các nhà máy chế biến gắn với từng vùng nguyên liệu cụ thể, hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý với các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
TS Ngô Phương Thảo cũng cho rằng cần hoàn thiện quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn, khuyến khích các hộ sản xuất tham gia các vùng được quy hoạch thông qua hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi giống trên diện tích canh tác hiện có, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các hộ nông dân nhằm tăng năng suất, đạt hiệu quả cao. Xây dựng các điểm thu gom, xử lý toàn bộ bao gói phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nuôi trồng sản phẩm nông sản. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu đầu tư công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tạo lập và tăng cường liên kết các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu cùng vận hành và phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức về chuỗi cung ứng và lợi ích của các thành viên khi tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Theo GS, TS Thái Đông Soán, trường Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc), để nâng cao giá trị nông sản, Việt Nam cần bắt đầu từ việc chọn giống cây trồng, không nên quá ưu tiên giống cây chỉ cho năng suất cao mà cần ưu tiên các giống cây cho ra sản phẩm chất lượng tốt hơn, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Việc dựa trên các điều kiện khí hậu, vị trí địa lý và thổ nhưỡng của từng vùng miền để quy hoạch thành các vùng trồng cây ăn quả, rau màu khác nhau, như vậy sẽ phát huy được điểm mạnh, lợi thế của từng địa phương. Ngoài ra, cần phải có các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức cho người nông dân với sự song hành của chính quyền và các liên đoàn hợp tác xã, như vậy mỗi người nông dân sẽ có thể trở thành một chuyên gia về nông nghiệp. |