Techcombank nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

(CL&CS) - Theo Chủ tịch Techcombank, hiện ngân hàng đang nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Techcombank sẽ thẩm định dưới góc độ như một khoản vay trung dài hạn, trong đó sẽ có những cấu phần như phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ… 

Lãnh đạo Techcombank cho biết, ngân hàng luôn nhất quán, việc chia cổ tức bằng tiền, phát hành thêm để tăng vốn, sẽ phụ thuộc vào việc này có mang lại lợi ích dài hạn cho ngân hàng hay không.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2022 (ĐHĐCĐ).

Chia sẻ tại đại hội Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết, trong năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận được kết quả kinh doanh khả quan. Tổng tài sản tăng 29,4%; tổng dư nợ tín dụng tăng 22,1%, huy động tăng 14,6%, đặc biệt lợi nhuận trước thuế tăng 47,1% đạt 23.238 tỷ đồng.

Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 446.500 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%. 

"Hiện tại, Techcombank đang có sức khoẻ rất tốt và sẵn sàng cho những bước phát triển tiếp theo", Tổng Giám đốc Techcombank nói.

Techcombank cũng báo cáo việc tăng vốn điều lệ lên 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,18%, với kế hoạch phát hành 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho CBNV.

Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ năm nay Techcombank tiếp tục trình phương án không chia cổ tức. Tính đến cuối năm 2021, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của ngân hàng hiện lên tới hơn 40.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, HĐQT Techcombank vẫn tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức năm 2021, toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối được giữ lại nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Như vậy, suốt 11 năm qua (tính cả năm nay), 2018 là năm duy nhất Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước thềm niêm yết lên sàn HoSE.

Nói về vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết, quan điểm của ban lãnh đạo ngân hàng luôn nhất quán, việc chia cổ tức bằng tiền, phát hành thêm để tăng vốn, sẽ phụ thuộc vào việc này có mang lại lợi ích dài hạn cho ngân hàng hay không.

Về việc tăng vốn điều lệ, Chủ tịch Techcombank lý giải, hiện nay Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.

Chủ tịch Techcombank cũng cho rằng, điều mà ngân hàng cần quan tâm, suy nghĩ là làm gì để thị trường định giá đúng về ngân hàng.

"Cách đây 5 năm, tôi đã nói không chia cổ tức trong 10 năm, nhưng 2017-2019 thì giá trị đã tăng gấp nhiều lần, là chiến lược phù hợp". Còn về việc điều chỉnh vốn điều lệ, tăng vốn từ phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng sẽ xem xét sao cho hợp lý.

Bên cạnh cổ tức thì Chủ tịch Techcombank cũng đã dành nhiều thời gian để nói về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản của ngân hàng.

Ông Hồ Hùng Anh cho biết Techcombank nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. "Lý do mà ngân hàng giữ trái phiếu nhiều vì chúng tôi tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu", ông nói.

Với trái phiếu doanh nghiệp, Techcombank sẽ thẩm định dưới góc độ như một khoản vay trung dài hạn, trong đó sẽ có những cấu phần như phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ… 

Đại hội lần này cũng đã thông qua đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của ông Đỗ Tuấn Anh vì công việc cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng. Trước đó, ông Đỗ Tuấn Anh cũng có đơn từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Hội đồng quản trị Techcombank hiện có tổng cộng 9 thành viên với ông Hồ Hùng Anh giữ cương vị chủ tịch, 5 phó chủ tịch và 3 thành viên HĐQT.

TIN LIÊN QUAN