Tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

(CL&CS) - Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo tháng 9.

Chính phủ cũng đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; và một số nội dung quan trọng khác.

Mở đầu phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào mừng 5 đồng chí Thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn, bổ nhiệm; mong muốn và tin tưởng trên cương vị mới, các đồng chí sẽ không ngừng quyết tâm, nỗ lực, hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cống hiến, đóng góp xây dựng Chính phủ đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, liêm chính, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc.

Trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, về công tác chỉ đạo, điều hành,trong tháng 8 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chủ động, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.

Trong tháng 8, đã ban hành 6 nghị định, 12 nghị quyết của Chính phủ; 184 quyết định, 10 công điện, 6 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tính chung 8 tháng đã ban hành 110 nghị định, 163 nghị quyết, 975 quyết định, 84 công điện, 30 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Về kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp cho rằng tình hình tiếp tục đà phục hồi tích cực, nhìn chung kết quả tháng 8 cao hơn tháng 7 và tính chung 8 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, với 10 nhóm kết quả nổi bật.

Theo đó, tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ được thúc đẩy. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 8 tăng 2% so với tháng 7 và tăng 9,5% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 8,6%. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2024 đạt 52,4 điểm, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Singapore).

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,9%; 8 tháng tăng 8,5%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,43 triệu lượt; tính chung 8 tháng đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ 2019 (trước đại dịch COVID-19).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04% (lạm phát cơ bản tăng 2,71%). Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,85 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 21,7% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tăng 3,7% so với tháng 7 và 14,5% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%; xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính – ngân sách tiếp tục được cải thiện. Tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 90.000 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí).

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt 40,49% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất trong 5 năm qua.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 8 có 13.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tính chung 8 tháng có 168.100 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 12,5% so với cùng kỳ (cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 135.200 doanh nghiệp).

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân và quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) nhận định tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các thành viên Chính phủ, các đại biểu dự họp; giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong những ngày tới.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ lớn: Tập trung tháo gỡ về pháp lý; triển khai 3 đột phá chiến lược (gồm thể chế; hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao); chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV; chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan tới giáo dục, y tế, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, khai giảng năm học mới, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội, triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, ứng phó thiên tai để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đói, bị rét; kiện toàn nhân sự các thành viên Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin - cho; xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Thủ tướng khái quát, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, mục tiêu lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cơ bản đạt được; có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2024 trong bối cảnh khó khăn.

Đồng thời, an sinh xã hội đươc bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập và không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với đó, đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên, mở ra những cơ hội mới trong phát triển đất nước.

Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân kết quả đạt được là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; sự đồng hành của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương; sự tích cực tham gia, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự tin tưởng của các nhà đầu tư.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành, địa phương và những kết quả đã đạt được, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Thủ tướng phân tích một số tồn tại, hạn chế như giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; những dự án tồn đọng cần giải quyết nhanh hơn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần có giải pháp nâng cao hơn; huy động và sử dụng các nguồn lực cần hiệu quả hơn; nỗ lực hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; công tác thông tin truyền thông cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu ứng truyền thông.

Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng: Phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; luôn bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công nhiệm vụ, giao việc phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chủ động giải quyết công việc với tinh thần: Đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được.

Sau khi phân tích dự báo tình hình, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, chủ động, tích cực thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xử lý các vấn đề phát sinh và triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, của cấp trên, bám sát tình hình, phản ứng chính sách phù hợp, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.

Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.

Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Về đầu tư, tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, huy động mọi nguồn lực xã hội.

Về xuất khẩu, duy trì, khai thác hiệu quả các thị trường lớn, truyền thống và xúc tiến mạnh mẽ các thị trường mới, giầu tiềm năng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu…

Về tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới (như chip bán dẫn, AI…). Đây là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, xử lý các vấn đề liên quan giá đất, các vướng mắc liên quan tới triển khai Luật Đất đai. Khẩn trương thành lập Tổ công tác thúc đẩy việc tổ chức thực hiện Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về Đề án 153 (liên quan việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố) do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Tổ trưởng.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không phù hợp để sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ phù hợp, kịp thời, cụ thể.

Chỉ rõ một số nhiệm vụ cụ thể, để kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, Bộ Công Thương chủ động điều hành bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng. Các cơ quan chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng cùng lúc, không giật cục.

Bộ Tài chính đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; khai thác dư địa chính sách tài khoá, nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược.

Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong đầu tư các dự án lớn, các ngành, lĩnh vực quan trọng. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, doanh nghiệp, dự án, ngân hàng yếu kém.

Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tập trung cho đột phá về đầu tư công, phát huy tinh thần triển khai đường dây 500 kV mạch 3. Bộ Giao thông vận tải tập trung thúc đẩy 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và báo cáo cấp có thẩm quyền về đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, một số tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, TPHCM…

Về an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại; làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3; bảo đảm xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ kịp thời, không để một người dân nào bị đói, bị rét. Thực hiện hiệu quả, thực chất phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát các đối tượng trong phạm vi quản lý Nhà nước (nhất là với một số đối tượng công chức, giáo viên mầm non, viên chức trong lĩnh vực y tế) để bảo đảm chính sách hài hòa, cân đối, phù hợp sức lao động, trong tổng thể chung về cải cách tiền lương.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào cuối năm nay. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo động lực, truyền cảm hứng, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội, giữ đà, giữ nhịp phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ tập trung chuẩn bị, rà soát, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị kỹ các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV. Đồng thời, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đạt kết quả tháng 9 tốt hơn tháng 8, quý sau tốt hơn quý trước và năm sau tốt hơn năm trước./.

TIN LIÊN QUAN