Tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007 (Luật số 05/2007/QH12), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 (Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá).

Sau hơn 16 năm thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, cụ thể:

Hiện nay, việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người tiêu dùng, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Tuy nhiên, cách hiểu và việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn chưa được quy định cụ thể trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá nên dẫn đến tình trạng chưa thống nhất.

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành do quy định phân công quản lý tại các luật chuyên ngành khác nhau dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra.

Tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Việc triển khai thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường còn có những khó khăn như: chưa xây dựng được đội ngũ kiểm soát viên chất lượng độc lập; các cơ quan chuyên môn ở địa phương rất ít cơ quan có đơn vị, phòng hoặc có công chức phụ trách lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong quản lý chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy của sản phẩm, hàng hóa). Mã số, mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại...

Do đó, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số mã vạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, ghi nhãn điện tử thì việc xem xét, bổ sung vào trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hiện nay chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới, với các cam kết mở hơn cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam, các quy định về hậu kiểm, kiểm tra/giám sát thị trường, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp. Do vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá là rất cần thiết.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động đánh giá sự phù hợp; giải thưởng chất lượng quốc gia; mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc..., đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Thứ ba, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Thứ tư, nội luật hóa các quy định tại các cam kết quốc tế của Việt Nam trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

TIN LIÊN QUAN