Tăng trưởng huy động vốn tại PG Bank bị âm trong nửa đầu năm 2023

(CL&CS) - Đi liền với sự thoái vốn của Petrolimex, ghế nóng Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc liên tục đổi chủ thì tăng trưởng huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) là con số âm.

Ông Nguyễn Phi Hùng (bìa trái) và ông Phạm Mạnh Thắng (giữa) vừa được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của PG Bank từ 2/7.

Thượng tầng liên tục thay đổi

PG Bank thông báo 14/8 là ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 dự kiến tổ chức vào 3/10/2023. Nội dung họp là thông qua vấn đề nhân sự thuộc HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Số lượng thành viên HĐQT dự kiến bầu tối đa 6 thành viên, trong đó dự kiến có ít nhất 1 thành viên là thành viên HĐQT độc lập. Số lượng thành viên BKS dự kiến bầu là 2 thành viên.

Nguyên nhân thay đổi hàng loạt thành viên HĐQT và BKS của PG Bank do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái vốn sạch 40% vốn tại PG Bank, tương đương 120 triệu cổ phiếu PGB qua buổi đấu giá tổ chức vào ngày 7/4 tại HOSE. Petrolimex đã bán 120 triệu cổ phiếu PGB với giá trung bình 21.400 đồng/cổ phiếu, thu về 2.568 tỷ đồng.

Ba tổ chức đều liên quan đến Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã trúng giá 119.999.200 cổ phiếu PGB. Đó là, CTCP Quốc tế Cường Phát (sở hữu 40.623.954 cổ phiếu, tỷ lệ 13,54% vốn điều lệ PG Bank), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (sở hữu 40.079.228 cổ phiếu, tỷ lệ 13,36%) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh (sở hữu 39.296.018 cổ phiếu, tỷ lệ 13,1%).

Thay đổi nhóm cổ đông lớn tại PG Bank khiến ngân hàng này liên tục thay đổi ghế nóng Chủ tịch HĐQT, BKS và Tổng Giám đốc

Các thành viên HĐQT như: ông Nguyễn Quang Định, ông Lưu Văn Tuyển và ông Trần Ngọc Năm đại diện vốn cho Petrolimex đương nhiên mất tư cách thành viên từ ngày 4/5. Trong đó, ghế nóng Chủ tịch HĐQT được chuyển giao từ ông Nguyễn Quang Định sang ông Oliver Schwarzhaupt.

Đến ngày 2/7, ghế nóng Chủ tịch HĐQT thêm một lần đổi chủ, từ ông Oliver Schwarzhaupt sang ông Nguyễn Phi Hùng, Tổng Giám đốc. Thay thế vị trí Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Phi Hùng là ông Phạm Mạnh Thắng.

Ngày 31/7, bà Dương Ánh Tuyết thay thế ông Nguyễn Tuấn Vinh ở vị trí Trưởng BKS.

Huy động vốn giảm 0,1%

Thượng tầng liên tục thay đổi nên PG Bank mất đi tính ổn định trong hoạt động kinh doanh, kể cả kế hoạch năm 2023 được đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 đã được thông qua hồi tháng 4.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của PG Bank đạt 46.987 tỷ đồng, giảm 4,1% so với đầu năm nay (-2.004 tỷ đồng). Tiền gửi của khách hàng (huy động vốn) đạt 31.228 tỷ đồng, giảm 0,1% (-32 tỷ đồng). Như vậy PG Bank cùng NCB (-1,4%) là hai ngân hàng có tăng trưởng huy động vốn trong nửa đầu năm nay là số âm.

Cho vay khách hàng (tín dụng) đạt 30.250 tỷ đồng chỉ tăng 4,1% (+1.199 tỷ đồng). Ngân hàng có 839 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,77%, tăng 0,21 điểm phần trăm.

Như vậy, PG Bank có chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn là -0,1% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 8,6% của 27 ngân hàng niêm yết; chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 4,1%, thấp hơn mức bình quân 6,6%.

Báo cáo kết quả hoạt động bán niên 2023 của PG Bank (đơn vị tính: tỷ đồng).

Kết thúc 6 tháng đầu năm, PG Bank đạt 756 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 7,9% YoY (+56 tỷ đồng). Chi phí hoạt động tăng 7,9% YoY (+53 tỷ đồng) nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 39,1% YoY (-56 tỷ đồng) giúp lợi nhuận trước thuế tăng 23,8% YoY (+58 tỷ đồng) và đạt 304 tỷ đồng.

Đóng cửa ngày 7/8, cổ phiếu PGB của PG Bank đạt 28.800 đồng/cổ phiếu, tăng 76,7% so với đầu năm nay. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của ngân hàng này đạt 8.640 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN