Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân...
Cơ giới hóa sản xuất, tăng hiệu quả cao cho ngành nông nghiệp
Mức độ cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như làm đất, tưới, bảo vệ thực vật, gieo sạ, thu hoạch, thu gom rơm, rạ… Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã tuyên truyền để nông dân đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng thực tế cho thấy máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu mới tập trung vào cây lúa, chưa chú ý vào các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao khác.
Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới các ngành, địa phương trong tỉnh cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp máy móc, thiết bị cơ giới hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp để nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ trong nước sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp.
Để tạo động lực cho ngành cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển cũng cần phải huy động tối đa nguồn lực của xã hội để đầu tư cho cơ giới hóa. Đồng thời, cần tạo ra cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, mang tính trọng điểm để thu hút đầu tư vào cơ giới hóa. Trong đó, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp cần gắn với các nguồn tổng hợp đang được huy động cho xây dựng nông thôn mới, đồng thời cần dựa trên tính cạnh tranh của công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước…
Nghị quyết số 53/NQ-CP/2019, của Chính phủ đã xác định, tầm nhìn đến năm 2030: “Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghiệp, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại”.
Vì vậy, cần khuyến khích, hỗ trợ, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa bằng máy, thiết bị hiện đại, tiên tiến, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung được cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ và tiến tới tự động hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, cùng với những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo số lượng lớn, chất lượng đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, giá thành giảm. Do đó, việc áp dụng mô hình “Cánh đồng không dấu chân” là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nghĩa là việc sản xuất lúa phải được thực hiện bằng cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, thu hoạch, nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm lúa, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chính vì thế nhiều địa phương của tỉnh Bình Thuận hiện đang thực hiện mô hình “Cánh đồng không dấu chân" để giảm dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tác dụng nữa của mô hình này là người nông dân không trực tiếp lội ruộng nên hạn chế khả năng mang các mầm bệnh gây hại cho cây trồng phát tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác và bảo đảm sức khỏe của nông dân. Mô hình này đã được áp dụng tại cánh đồng lúa của Hợp tác xã Thanh long Phú Thịnh, xã Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc bằng máy bay không người lái.
Để áp dụng mô hình “Cánh đồng không dấu chân”, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, nhất là sử dụng máy bay không người lái phun thuốc tại các cánh đồng lúa trong thời gian tới sẽ được áp dụng rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh. Đây chỉ là một trong những mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh còn phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ giới hóa, chế biến, bảo quản nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ nông sản một số sản phẩm đã thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy, thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, nâng cấp công nghệ thiết bị góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.