Là người vinh dự được tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, nhưng Điện Biên Phủ vẫn là phần ký ức đặc biệt, khó phai mờ đối với Trung tướng Đặng Quân Thụy.
Ở tuổi 96, khi nhắc đến 56 ngày đêm tại mặt trận Điện Biên Phủ, Trung tướng Đặng Quân Thụy vẫn nhớ như in cảm xúc khi được giao nhiệm vụ tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát lòng chảo Điên Biên trước thời điểm chiến dịch bắt đầu. Khi đó ông Thụy mới 26 tuổi, là một phái viên tác chiến thuộc sở chỉ huy chiến dịch.
Cầm trên tay bức ảnh đoàn cán bộ thị sát mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, Tướng Thụy giới thiệu từng người, gồm: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ông Kim Hùng - Trưởng ban Quân báo Đại đoàn 316, ông Vũ Lăng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) và phái viên tác chiến Đặng Quân Thụy.
Theo Tướng Thụy, tháng Giêng năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ muốn đi kiểm tra xem quá trình chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị thế nào, cũng như cách đánh vào các cứ điểm đầu tiên của quân Pháp.
Trước khi lựa chọn xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội Pháp ở Việt Nam đang ở trong thế bị động khi hứng chịu hàng loạt thất bại và không thể xây dựng các cụm cứ điểm lớn ở đồng bằng Bắc Bộ.
Điều này buộc chúng phải chuyển sang chiến thuật phòng thủ thông qua hệ thống cứ điểm. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công khi quân đội ta chỉ mất thời gian ngắn là có thể phá giải.
Thế nhưng quân Pháp vẫn chưa từ bỏ, chúng chuyển sang xây dựng các cụm cứ điểm gần nhau để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần, điển hình như hai cứ điểm Nghĩa Lộ và Pú Trạng. Dù vậy, chiến thuật này của Pháp cũng không thành khi quân ta diệt cả Nghĩa Lộ lẫn Pú Trạng, bởi cả hai đều dễ bị cô lập và không thể bảo vệ lẫn nhau.
Trước việc quân đội ta phát triển cách đánh cứ điểm, cụm cứ điểm ngày càng nhanh hơn, quân đội Pháp buộc thực hiện kế hoạch xây dựng các tập đoàn cứ điểm như Điện Biên. Pháp đánh giá Điện Biên Phủ là nơi có thể hút được chủ lực của ta lên và thuận lợi cho họ dùng hỏa lực để tiêu diệt.
“Đây là đánh giá rất chủ quan của Bộ tham mưu quân đội Pháp, họ có ý đồ dụ chủ lực của ta lên đấy và dùng sức mạnh để đánh bại chủ lực của ta, sau đó tỏa ra chiếm lại Tây Bắc”, Tướng Thụy nhận định.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng tấn công. (Ảnh: Tư liệu)
Theo trí nhớ của Tướng Thụy, tháng 1/1954, ông nhận nhiệm vụ đi lập đài quan sát trận địa địch, cùng anh em trinh sát pháo binh và công binh leo lên một ngọn núi cao. Trên đỉnh núi, qua ống nhòm của pháo binh có thể quan sát khu vực xung quanh với phạm vi lên đến 10km.
Tổ tác chiến tiền phương có Tướng Thụy tham gia có thể thấy rõ lòng chảo Điện Biên nơi quân Pháp bắt đầu lập cầu hàng không đưa quân dù vào bên trong. Theo dõi ngày đêm, tổ công tác ghi chi tiết từng vị trí trú xe tăng, để hầm pháo của quân địch vào bản đồ quân báo.
“Lúc ấy thật sự tôi chưa hình dung hết quy mô trận đánh tương lai. Song tôi biết mình sẽ tham dự một cuộc chiến lớn và tin tưởng quân ta sẽ thắng”, Tướng Thụy nhớ lại.
Niềm tin này của tướng Thụy càng được củng cố khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò Tổng Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Trung tướng Đặng Quân Thụy cho rằng, thay đổi phương thức tác chiến là quyết định táo bạo của người cầm quân, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thành công của chiến dịch và giúp giảm hy sinh xương máu chiến sĩ.
Quyết định này được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đưa ra dựa trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự quán triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy.
Ngay trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dặn dò rằng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Lời căn dặn của Bác Hồ trở thành kim chỉ nam trong tư duy phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận quyết chiến chiến lược mang ý nghĩa sống còn với lịch sử dân tộc. Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, với nhiều trận đánh hay minh chứng cho sự sáng tạo, quyết tâm của quân đội ta.
Chia sẻ thêm phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, Tướng Thụy nói: “Theo cách đánh thông thường trước mỗi đợt tấn công, hỏa lực gồm pháo, súng cối sẽ bắn cấp tập vào cứ điểm địch khiến chúng giảm khả năng chiến đấu, sau đó bộ đội mới đánh vào hàng rào dây thép gai bằng bộc phá. Từ đó tiến dần dần vào trung tâm cứ điểm”.
Hầu hết các trận đánh đều diễn ra như thế, tuy nhiên có những trận bộ đội âm thầm cắt, phá toàn bộ hệ thống hàng rào dây thép gai và chỉ chừa lại một phần nhỏ để qua mắt địch. Khi nổ súng tấn công, toàn bộ hàng rào sẽ bung ra tạo điều kiện cho bộ đội đánh vào bên trong cứ điểm.
"Tất nhiên chiến thắng đến không hề dễ dàng với chúng ta", Trung tướng Đặng Quân Thụy chia sẻ.
Phân khu Bắc của địch bị tiêu diệt nhanh chóng trong đợt 1 của chiến dịch, nhưng khi đợt tấn công thứ 2 ở dãy đồi phía đông thuộc phân khu trung tâm, các đơn vị đều không giành được thắng lợi như dự kiến.
“Đợt 2 chúng ta chủ trương đánh chiếm, giải phóng cứ điểm cửa ngõ phía Đông. Lúc này, ta vướng hai cứ điểm chưa thể dứt điểm là C1 và A1”, Tướng Thụy nói.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, sức mạnh của quân đội chúng ta nằm ở tinh thần chiến đấu và sự ủng hộ vô hạn của Nhân dân, ngoài ra còn có cả nghệ thuật quân sự nữa”, Tướng Thụy nhớ lại.
Ông và đồng đội rất hân hoan khi được đọc "Thư kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ đẩy mạnh cuộc thi đua đánh tỉa quân địch" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giữa giai đoạn chiến sự khó khăn nhất.
Tướng Thụy nhớ trong thư có đoạn: "Tôi kêu gọi: Toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ bắn súng cối, các chiến sĩ pháo binh, hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua đánh tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ. Một viên đạn, một tên địch!".
Bước sang đợt tấn công thứ ba, Trung tướng Đặng Quân Thụy được cử làm phái viên tác chiến xuống theo dõi Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), tiếp đó là Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308).
Hồi tưởng lại ngày chiến thắng, ông kể: "Đến trưa 7/5/1954, tôi đang làm trực ban tác chiến ở Sở Chỉ huy chiến dịch thì nhận được báo cáo từ các đơn vị là trong các công sự của địch thấy xuất hiện nhiều cờ trắng. Chúng tôi nhanh chóng báo cáo với Bộ Chỉ huy về hiện tượng này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh cho các đơn vị thực hiện tổng tấn công ngay, không chờ tới đêm như dự kiến”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".
Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu)
“Được có mặt từ những ngày đầu cho đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ là niềm hân hoan, vui mừng vô bờ bến. Giữa những niềm vui chung đó, tôi còn một niềm vui khác là sắp được trở về đoàn tụ với vợ và gặp con trai đầu lòng”, Tướng Thụy xúc động nhớ lại.
Sau ngày chiến thắng, Sở chỉ huy tiền phương được lệnh trở về căn cứ ở Thái Nguyên, ông Đặng Quân Thụy được cử đi dự Hội nghị tổng kết chiến dịch.
Khi được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, trong lòng người lính Đặng Quân Thụy vui mừng khôn xiết khi vừa đóng góp một phần nhỏ bé vào thắng lợi của cả dân tộc.
Theo ông, Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.
Chính vì thấu hiểu được ý nghĩa chiến lược cả về mặt quân sự lẫn chính trị mà người cha Đặng Quân Thụy từ chiến trường đã dự định đặt tên cho con trai là Đặng Quân Chính như một sự nhắc nhớ đến mai sau.
Sau khi dự hội nghị, Đặng Quân Thụy được giao nhiệm vụ viết các tài liệu tổng kết. Lúc này, ông dự định về thăm gia đình, nhưng một lần nữa ông phải gác lại việc riêng vì nhận được lệnh vào Liên khu 5 để phổ biến kinh nghiệm tác chiến ở Điện Biên Phủ cho các cán bộ ở đây.
Tháng 11/1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở ra Bắc bằng đường tàu biển. Ra đến Hà Nội, Đặng Quân Thụy trở lại Thái Nguyên thăm vợ con. Người lính Điện Biên đi bộ suốt quãng đường 50km từ tỉnh lỵ về Chợ Chu (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) để được đoàn tụ gia đình trong niềm vui chiến thắng.
Trong hơn 60 năm công tác, Trung tướng Đặng Quân Thụy đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên nhiều cương vị như: Tư lệnh Binh chủng Hóa học; Tư lệnh Quân khu 2; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X; Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. |