Nữ diễn viên Hong Kong (Trung Quốc) Châu Hải My được mệnh danh là "Chu Chỉ Nhược xinh đẹp nhất", qua đời vào ngày 11/12 do bệnh tật không thể cứu chữa, hưởng dương 57 tuổi.
Sau tin buồn về cái chết của cô, nhiều nghệ sĩ đã gửi lời nhắn nhủ, trong đó chồng cũ của cô là Lữ Lương Vĩ cũng tỏ ra bàng hoàng: "Thật đột ngột! Chúc em đi đường vui vẻ. Nghe tin này lâu rồi mà tôi không thể bình tĩnh lại được. Tôi hy vọng em sẽ tiếp tục cười ở một thế giới khác. Tôi xin bày tỏ lời chia buồn tới gia đình em và mong mọi người hãy chăm sóc bản thân".
Hé lộ hồ sơ bệnh án của Châu Hải My
Bức ảnh hồ sơ bệnh án điện tử của Châu Hải My từ một bệnh viện ở Bắc Kinh được lan truyền trên weibo, có thể thấy trong đó nói rằng các trường hợp trước đây của cô bao gồm tăng huyết áp và bệnh lupus ban đỏ hệ thống, tuần qua cô có biểu hiện ho và khó thở, nhưng cô tự thở oxy tại nhà, sau đó cô thở khó khăn hơn vào đêm 10/12 và 10h ngày 11/12 đồng nghiệp phát hiện cô nằm trên mặt đất và đưa đi cấp cứu.
Khi đến bệnh viện, toàn thân Châu Hải My lạnh cứng, nổi rõ các vết đốm trên cơ thể, có những vết như xác chết, đồng tử giãn ra, kết mạc chảy máu và không có nhịp tim cũng như không thở. Cuối cùng các bác sĩ tuyên bố cô tử vong do ngừng tim, bất tỉnh và ngừng hô hấp.
Ngay sau khi hồ sơ y tế điện tử xuất hiện, cư dân mạng đã chỉ trích họ, cho rằng nhân viên bệnh viện không nên đăng tình trạng bệnh nhân lên mạng, một số cư dân mạng thậm chí còn chỉ trích nhân viên y tế tung tin này là "không có đạo đức". Hiện nay bệnh án điện tử đã bị xóa.
Châu Hải My mắc bệnh lupus ban đỏ trong nhiều năm, nhưng nữ diễn viên đã bác bỏ tin đồn về căn bệnh này ngay từ năm 2021, chỉ nói rằng đó là “vấn đề lượng tiểu cầu thấp”. Tuy nhiên, bạn của mỹ nhân Ỷ Thiên Đồ Long Ký, nam diễn viên kiêm nhà sản xuất Điền Khải Văn tiết lộ với Red Star News hôm 12/12 rằng Châu Hải My đã mắc bệnh lupus ban đỏ từ lâu.
Sự thật về căn bệnh hành hạ Châu Hải My suốt 25 năm
Một số bác sĩ cho biết lượng tiểu cầu thấp là một trong những triệu chứng đáng lo ngại nhất ở bệnh nhân lupus ban đỏ, da dễ bị bầm tím, trường hợp nặng có thể chảy máu cam, xuất huyết não, người bệnh phải tích cực điều trị để kiểm soát bệnh.
Nhìn lại những lần phỏng vấn trước đây của Châu Hải My trên chương trình, cô phát hiện ra mình mắc bệnh tiểu cầu thấp từ khi còn là thiếu niên, tình huống nghiêm trọng nhất là khi cô ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện, cơ thể thường xuyên bị bầm tím.
Lupus ban đỏ là bệnh của hệ thống miễn dịch - hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Khi bị lupus, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan khác nhau trên cơ thể.
Theo cổng tin tức trực tuyến HK01, Hoàng Cảnh Long, Giám đốc Bệnh viện ở thành phố Tân Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), bác sĩ điều trị tại Khoa miễn dịch cho biết: “Ba cơ quan mà chúng ta sợ nhất là hệ thống miễn dịch tấn công não, thận và tiểu cầu. Nếu hệ thống tự miễn dịch tấn công não, nó sẽ gây ra viêm não, tổn thương não. Nếu tấn công thận, sẽ xảy ra tình trạng viêm nặng và suy thận. Tiểu cầu bị tấn công sẽ dẫn đến chức năng đông máu bất thường, dễ chảy máu, bầm tím da, chảy máu cam nghiêm trọng và thậm chí xuất huyết não, có đốm cánh bướm, rụng tóc và các vấn đề về tim mạch”.
Bác sĩ Hoàng chỉ ra rằng đối với những bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ, việc sống chung với căn bệnh này rất quan trọng, vì lượng tiểu cầu thấp do kháng thể quá mức sẽ được điều trị bằng steroid và thuốc ức chế miễn dịch. Con đường điều trị vẫn còn khá khó khăn đối với người bệnh, điều quan trọng nhất là chấp nhận bệnh và tìm cách điều trị đúng đắn.
Vị bác sĩ hy vọng giảm bớt việc sử dụng steroid ở bệnh nhân. Những bệnh nhân lạm dụng quá nhiều steroid dễ bị đục thủy tinh thể, loãng xương và các bệnh lý khác. Trước đây, nhiều bệnh nhân kiểm soát bệnh kém dẫn đến nhiều trường hợp suy thận.
Tuy nhiên, sau những nỗ lực trong vài năm qua, tỷ lệ sống sót sau 10 năm đã đạt 90%, việc điều trị hướng tới phương pháp sinh học nhưng giá thành cao.