Theo nội dung của công văn, thời tiết với độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển nên bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra trong thời gian này. Đây là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt có thể lây lan thành dịch, thường do Adenovirus gây ra.
Để chủ động công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, không để dịch bùng phát, lan rộng, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình đau mắt đỏ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mới mắc và điều trị đúng, tránh sự lây lan cho người nhà và những người xung quanh.
Các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng ở vị trí thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh...
Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh phải báo ngay Trạm Y tế hay Trung tâm Y tế địa phương để điều trị kịp thời, tránh lây lan.
Sở Y tế cũng giao Bệnh viện Mắt tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị bệnh đau mắt đỏ cho tất cả các tuyến. Nếu phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh thì thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp để thực hiện các biện pháp kiểm soát, hạn chế lây lan.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, tổ chức tốt việc phát hiện, điều trị bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh hạn chế đi đến nơi đông người khi không cần thiết, khi tay tiếp xúc với dịch tiết từ mắt bị bệnh (sau khi tra thuốc, dụi mắt,..) cần phải rửa tay với xà phòng.
Người bệnh cần đeo kính, đeo khẩu trang nhất là khi đến nơi công cộng để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Khi phát hiện bị viêm kết mạc cấp, người bệnh cần giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm.