Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị những công trình giao thông, xây dựng cấp bách được tiếp tục thi công

(CL&CS) - TP.HCM vừa chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng về việc cho phép danh mục các công trường, công trình xây dựng, giao thông cấp bách được tiếp tục thi công trên địa bàn thành phố.

Ngày 18/8, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng về danh mục các công trường, công trình xây dựng, giao thông cấp bách được tiếp tục thi công trên địa bàn thành phố.

Tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào vận hành năm 2022

Theo văn bản đề nghị của Sở Xây dựng, có 7 công trình, nhóm công trình xây dựng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; công trình tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; công trình xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; công trình xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ; công trình xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

UBND TP.HCM đề nghị Công an Thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị triển khai thi công các dự án, đảm bảo không ảnh hưởng tiến độ xây dựng.

Trước đó, ngày 14/7, Sở Xây dựng TP.HCM có chỉ đạo về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, để thực hiện tốt công tác vừa phòng, chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, Sở Xây dựng đề nghị đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP.HCM do UBND quận, huyện và UBND TP Thủ Đức cấp phép, phê duyệt; công trình xây dựng do Bộ, các cơ quan ngang Bộ và Sở Xây dựng cấp phép và phê duyệt, được tiếp tục hoạt động khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Cụ thể, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải vừa đảm bảo được tiến độ thi công, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: Làm việc tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Đồng thời, yêu cầu phải có xét nghiệm COVID-19 đối với người lao động định kỳ 7 ngày/lần. Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đặc biệt thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho nhân công vào đầu và cuối mỗi ca (trường hợp nhiệt độ cơ thể từ 37,5 độ C trở lên, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương); bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Khử khuẩn bề mặt, thiết bị, máy móc tiếp xúc trực tiếp với nhân công; vệ sinh công trình xây dựng sau mỗi ca.

Đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ do UBND quận, huyện và UBND TP Thủ Đức cấp phép và các công trình khác thuộc thẩm quyền cấp phép của các sở chuyên ngành, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX), Khu công nghệ cao (KCNC), Sở Xây dựng đề nghị các sở chuyên ngành, UBND quận, huyện, UBND TP Thủ Đức và Ban Quản lý các KCN, KCX, KCNC tổ chức thẩm định các công trình xây dựng đảm bảo các điều kiện trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống  dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động xây dựng.

Đối với các công trình xây dựng sửa chữa, cải tạo, công trình xây dựng khẩn cấp phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình thi công xây dựng.

Trường hợp các công trình xây dựng không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động xây dựng toàn bộ công trình. Sở Xây dựng giao Thanh tra Sở chủ động kiểm tra, nếu chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng không đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 thì buộc dừng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình và đề xuất xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

TIN LIÊN QUAN